Chưa đầy 10 ngày tới phải báo cáo vấn đề lãi suất lên Thủ tướng
(Dân trí) - Giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu không tăng lãi suất, đồng thời tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/4/2017.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định rõ các chủ trương, đề ra biện pháp cụ thể và có kế hoạch, lộ trình để thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý hiệu quả nợ xấu.
Song song với đó là mở rộng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng nêu rõ: Không tăng lãi suất, đồng thời tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn lại những tháng cuối năm.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2017.
Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) lên Chính phủ, mặt bằng lãi suất huy động trong quý 1/2017 có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng 3.
Tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động được một số ngân hàng tăng thêm từ 0,1%-0,5%. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại tăng phát hành giấy tờ có giá (tăng 0,7% so với mức âm 7,7% cùng kỳ năm ngoái) khiến lãi suất ở các kỳ hạn dài (5 năm,7 năm) lên mức cao 9,2%. Trong khi đó có một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động.
Theo nhận định của UBGSTCQG, hiện tượng trên chủ yếu mang tính cục bộ và tính mùa vụ (tương tự trong quý I/2016). Cụ thể, thanh khoản của toàn hệ thống mặc dù kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động, song thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn.
Ước tính đến hết quý I/2017, tín dụng tăng khoảng 3,2% (cùng kỳ 2016 là 3,04%), mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn (khoảng 3%). Do đó, chỉ số LDR (tín dụng/huy động) toàn hệ thống quý I/2017 vẫn ở mức khoảng 87% tương đương cùng kỳ 2016.
Trong khi đó, thanh khoản hệ thống luôn có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng TMCP nhỏ và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn nên diễn ra hiện tượng một số ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn bằng nâng lãi suất huy động. Chênh lệch lãi suất huy động giữa hai nhóm ngân hàng này hiện khoảng 0,5%.
Ngoài ra, theo UBGSTCQG, động thái tăng lãi suất trên chủ yếu do các ngân hàng nhỏ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn chuẩn bị nguồn đầu năm và cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp với quy định của Thông tư 06.
Tính đến cuối tháng 3, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng tín dụng và tăng khoảng 2,75%. Thống kê một số ngân hàng tăng lãi suất trong quý I/2017 cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bình quân khoảng 45,35% cao hơn mức trần quy định 40% sẽ được áp dụng vào năm 2018.
Thêm vào đó, động thái này cũng xuất phát từ kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Fed dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm và giá hàng hóa cơ bản dự báo tăng trở lại, các ngân hàng nhỏ chủ động huy động nguồn trung và dài hạn giá rẻ để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng cho cả năm 2017.
Qua thông báo này, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo Chương trình hành động đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao mức sống của người dân.
Bộ Công Thương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước.
Tương tự các bộ, cơ quan liên quan cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên trước ngày 25/4/2017.
Bích Diệp