Chưa chấp thuận đề án thành lập công ty mua bán điện

Sáng nay 10/7, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện do EVN đề xuất. Nhiều ý kiến chưa đồng thuận với đề án.

Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư cùng các Vụ có liên quan của Bộ Công nghiệp.

Tại cuộc họp, EVN đã báo cáo tóm tắt mô hình tổ chức công ty mua bán điện và kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập ngay công ty mua bán điện theo một trong 3 mô hình:

Thứ nhất, thành lập công ty mua bán điện theo mô hình công ty cổ phần mà EVN đã đề xuất; Thứ hai, thành lập công ty cổ phần không có sự tham gia của EVN làm cổ đông và thứ ba là thành lập công ty nhà nước hoạt động phi lợi nhuận nhưng phải có cơ chế khắc phục các nhược điểm.

Theo EVN, dù ở hình thức nào, mô hình nào, cần phải thành lập sớm công ty mua bán điện hạch toán độc lập, tách khỏi quản lý điều hành của EVN, không để phụ thuộc trong EVN như hiện nay.

Cục Điều tiết điện lực cho rằng việc thành lập một công ty mua bán điện để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2009 là cần thiết song thành lập ở hình thức nào thì sự can thiệp của Nhà nước cũng phải mạnh mẽ và có những cơ chế bổ sung, đặc biệt là bù đắp được tài chính.

Đồng quan điểm với Cục Điều tiết điện lực, Bộ Nội vụ cũng nhận định: Việc thành lập công ty mua bán điện là phù hợp với nhu cầu của thị trường điện. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cần cân nhắc lựa chọn mô hình nào cho phù hợp, đảm bảo hạch toán độc lập và có một cơ chế bù lỗ đi kèm.

Bộ Tài chính thì e ngại việc thành lập công ty mua bán điện theo mô hình cổ phần liệu có hợp lý trước năm 2010. Nó có thể là đơn vi hạch toán phụ thuộc sau 2010 mới tính đến mô hình khác khi có thị trường điện cạnh tranh.

Theo ý kiến của đại diện Văn phòng Chính phủ, trong điều kiện gia nhập WTO hiện nay, Nhà nước không thể hỗ trợ dưới mọi hình thức, do vậy nên cân nhắc việc thành lập theo mô hình nào cho phù hợp. Về hình thức hoạt động của công ty cổ phần này, lợi ích của cổ đông luôn mâu thuẫn với lợi ích của người tiêu dùng.

Theo tính toán, giá điện sẽ tăng lên làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của đất nước. Về việc cạnh tranh trong thị trường điện, nếu công ty mua bán điện này ra trước, sau này sẽ có những điều kiện áp đặt đối với các công ty phân phối điện khác cùng hoạt động mua bán điện.

Quan điểm của Bộ KH&ĐT cũng khẳng định công ty mua bán điện phải được hạch toán độc lập và giải quyết được việc bù lỗ, hòa vốn hoặc ít nhất có lợi nhuận. Từ nay đến năm 2010 theo tổng sơ đồ điện VI, khả năng thiếu điện còn cao với tốc độ tăng trưởng dự báo lên tới trên 20%. Khi đã xảy ra thiếu điện thì khó thực hiện việc mua bán lại.

Tuy còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đặng Hùng đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trước 20/7 gửi ý kiến bằng văn bản để Cục Điều tiết điện lực tập hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này.

Theo Mai Phương
TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm