Chưa biết lời lỗ vẫn bắt nộp đủ thuế: Nguy cơ bị phạt, lại lo đọng vốn

Chưa hết năm, doanh nghiệp vẫn phải tạm tính và tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý IV và cả năm. Nếu doanh nghiệp nộp thấp hơn số thuế thu nhập cả năm sẽ bị phạt.

Lo "ăn" phạt nếu không ước tính được thuế phải nộp cả năm

Nghị định 126/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ ban hành ngày 19/10 (có hiêu lực ngày 5/12) hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp ba quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Điều này khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp có nguy cơ “ăn phạt” nếu hết quý III họ không tạm tính chính xác số doanh thu của quý IV. Như vậy, các doanh nghiệp bỗng dưng trở thành “thầy bói” để “phán” chính xác doanh thu của thời tương lai. Nếu không đoán đúng, doanh nghiệp sẽ “lãnh đủ”.

Thực tế, quy định này không phải là mới. Trước đây, cơ quan thuế cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tạm tính doanh thu hàng quý; tức mỗi quý căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải tạm tính phần thu nhập chịu thuế để tạm nộp hàng quý.

Chưa biết lời lỗ vẫn bắt nộp đủ thuế: Nguy cơ bị phạt, lại lo đọng vốn - 1
 

Trước Nghị định 91/NĐ-CP năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, doanh nghiệp còn phải tạm khai thuế. Tuy nhiên, để cắt giảm thủ tục hành chính về thuế, Nghị định 91 đã bỏ tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tạm nộp. Việc tạm nộp được quy định rằng hết quý IV số thuế tạm nộp phải đạt 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm.

Ví dụ, một năm số thuế quyết toán là 1 tỷ thì hết quý IV, doanh nghiệp phải nộp 800 triệu. Khi quyết toán thuế, doanh nghiệp phải nộp thêm 200 triệu nữa, như vậy doanh nghiệp không bị phạt chậm nộp. Còn nếu doanh nghiệp chỉ tạm tính 700 triệu thì phần 100 triệu sẽ bị tính tiền chậm nộp.

Người làm đúng vạ lây bởi kẻ trốn thuế

Luật quản lý thuế năm 2019 không quy định mức tạm nộp là bao nhiêu. Nhưng Nghị định 126 quy định số tạm nộp giảm từ 80% xuống còn 75%, điều này tưởng như là giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Song, thực tế lại khác.

Nghị định 91 quy định: “Trường hợp tổng số bốn lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán”. Có nghĩa, đến tháng 1 năm sau, nếu doanh nghiệp tạm nộp thiếu số thuế thì mới bị tính tiền chậm nộp.

Trong khi đó, Nghị định 126 lại quy định: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, ngay sau quý III (thời hạn cuối cùng khai và nộp thuế tạm tính 3 quý đầu năm là 30/10), doanh nghiệp chưa nộp đủ 75% số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm thì phần thuế nộp thiếu sẽ bị tính tiền chậm nộp.

Vấn đề ở chỗ, đến 30/10 doanh nghiệp cũng khó có thể dự báo được việc sản xuất, kinh doanh của quý IV ra sao để tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số lĩnh vực kinh doanh đa phần quý IV mới phát sinh nhiều doanh thu, như xây dựng, thương mại nhưng để biết được doanh thu quý IV là bao nhiêu thì không phải là chuyện dễ.

Thực tế, có trường hợp nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc dồn doanh thu vào quý IV để né doanh thu của những quý trước, từ đó chiếm dụng thuế của nhà nước. Ví dụ quý I, II, III phát sinh doanh thu, theo chuẩn mực kế toán, doanh thu đã được ghi nhận thì doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, phát sinh thu nhập chịu thuế, phải nộp thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không xuất hóa đơn nhằm chiếm dụng thuế giá trị gia tăng của nhà nước. Ngoài ra, thay vì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của các quý đó cao hơn, doanh nghiệp chiếm dụng luôn phần thuế đó đến hết quý III, để quý IV mới khai ra. Điều này cần phải được ngăn chặn.

“Song, không nên bắt những doanh nghiệp làm đúng phải bị vạ lây bởi một bộ phận làm sai, trốn thuế. Cơ quan thuế cần tăng chế tài với những doanh nghiệp trốn thuế theo cách thức đó, tăng cường kiểm tra giám sát để phát hiện kịp thời các doanh nghiệp giấu doanh thu hàng quý, buộc những doanh nghiệp này phải ghi nhận doanh thu đúng thời điểm phát sinh, nếu phát hiện vi phạm cần phạt nặng. Như vậy tình trạng doanh nghiệp làm sai mới có thể giảm bớt”, một chuyên gia kế toán nêu ý kiến.

Vì thế, việc quy định như tại Nghị định 126 hoàn toàn không phù hợp, cần sửa đổi việc tính tiền chậm nộp cho khoản thuế tạm tính thay vì đẩy khó cho doanh nghiệp.