TPHCM:
Chủ tịch thị trấn Tân Túc… “vẽ ra” lỗi của chủ quán cà phê Xin Chào!?
(Dân trí) - Theo các luật sư, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc đã “vẽ ra” lỗi của chủ quán cà phê Xin Chào để xử phạt. Bởi hành vi “tổ chức thi công công trình khác (công trình container)” như quyết định của ông Chủ tịch thị trấn nêu không có trong quy định nào. Còn căn cứ để xử lý là Nghị định 180/2007/NĐ-CP thì đã hết hiệu lực.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 10/7, ông Nguyễn Văn Tấn (chủ quán cà phê Xin chào ở thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, TPHCM) xin phép đặt tạm container trong phần đất thuê kế bên quán để chứa nguyên liệu vật tư, làm chỗ rửa ly, chén.
Ngay sau khi ông đặt các container này, lực lượng chức năng của UBND thị trấn Tân Túc có mặt và yêu cầu di dời. Ông Tấn đã dời hai container ra khỏi khuôn viên. Riêng container còn lại nằm sát ngôi nhà trong khuôn viên quán, ông vẫn để lại, cho nhân viên rửa ly, chén và làm chỗ trú mưa cho khách.
Ngày 15/8, lực lượng chức năng thị trấn Tân Túc tới lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình đang thi công xây dựng và yêu cầu ngưng thi công. Một ngày sau, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Thanh Vũ ra quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Theo quyết định, ông Tấn có hành vi vi phạm: Tổ chức thi công công trình container trên đất không được phép xây dựng theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007. Quyết định yêu cầu các đơn vị cấp điện, cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước. Trong thời hạn 3 ngày ông Tấn phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế...
Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Biên bản này dẫn chiếu đến Nghị định 180/2007 và Nghị định 121/2013 để xử phạt. Trong đó, Nghị định 180/2007 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2003. Tại thời điểm biên bản vi phạm hành chính được lập thì Luật Xây dựng 2014 đang có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2015). Như vậy, Luật Xây dựng 2003 và Nghị định 180 hướng dẫn luật này đã hết hiệu lực”.
Về Nghị định 121/2013, luật sư Bình phân tích: “Nghị định 121/2013 thì còn hiệu lực tại thời điểm lập biên bản. Tuy nhiên, Điều 13 Nghị định này (mà biên bản căn cứ vào để xử lý) thì lại quy định xử phạt việc tổ chức thi công xây dựng, tức là không có hành vi “tổ chức thi công công trình khác (công trình container)” như văn bản của UBND thị trấn Tân Túc nêu. Việc vẽ ra một hành vi vi phạm không có căn cứ pháp lý để áp vào xử phạt người dân là không đúng về mặt pháp luật”.
“Theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất…, được xây dựng theo thiết kế… Ở đây, container đặt tạm trên đất, không được liên kết định vị với đất, không được xây dựng theo thiết kế thì không phải là công trình xây dựng!”, luật sư Bình nhận định.
Bình luận về động thái xử lý quán cà phê Xin Chào của UBND thị trấn Tân Túc, luật sư Bình nói: “Một biên bản áp dụng văn bản hết hiệu lực để xử lý là một biên bản bất hợp pháp. Chưa có căn cứ để nói rằng cơ quan chức năng thị trấn Tân Túc, cụ thể là ông Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc có thù tức, trả đũa việc ông Tấn kêu oan trước đó. Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc hiểu, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ở không ít địa phương, cụ thể trong trường hợp này là UBND thị trấn Tân Túc là đáng báo động. Một văn bản đã hết hiệu lực thi hành, luật cũng giải thích từ ngữ rất rõ về các khái niệm để những người thực thi áp dụng, thi hành mà vẫn bị hiểu sai, áp dụng sai như vậy là vô cùng đáng tiếc!”.
Luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn luât sư TPHCM) cũng đồng ý với quan điểm của luật sư Bình. Luật sư Thân nhấn mạnh: “Theo điều 119, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải theo từng bước của luật hành chính. Theo quy định tại điều này, việc cắt điện, nước không phải là biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Về bản chất, việc cung cấp điện, nước là quan hệ dân sự, kinh tế giữa doanh nghiệp điện lực và doanh nghiệp cấp nước với người dân, không theo mệnh lệnh hành chính. Các doanh nghiệp cung cấp điện, nước cũng không phải là đơn vị thừa hành quyết định hành chính của UBND”.
“Ngoài ra, Luật Xây dựng năm 2014 cũng bỏ quy định về biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc ban hành quyết định dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, áp dụng các biện pháp chế tài trái phép như vậy cần phải được xem xét về trách nhiệm cũng như đánh giá lại về năng lực của cán bộ, công chức, kể cả người tham mưu, giúp việc cho vị Chủ tịch thị trấn này”, ông Thân nói.
Xuân Duy