Chủ tịch Hà Nội: “Có hiện tượng kích giá đất”

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc mua bán đất tại một số khu vực quy hoạch vừa qua có hiện tượng đầu cơ, thậm chí giao dịch giả để kích giá… Vì thế, cần sớm hoàn thiện quy hoạch cũng như thông tin rõ ràng với người dân.

Thưa ông, đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa được Thủ tướng phê duyệt, nhưng giá đất tại những điểm được dự kiến quy hoạch thuộc Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai vừa qua đã lên cơn "sốt" rất cao?

Đó là do tác động của quy luật thị trường một cách rất tự nhiên. Bởi lẽ, khi lạm phát giá bất động sản bị chững, bị xuống, sau khi chúng ta khắc phục lạm phát, giá bất động sản quay lại bình thường. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối 2009, đầu 2010 giá bất động sản tăng lên rất nhanh.

Khi chúng ta xây dựng quy hoạch chung, những vùng được quy hoạch giá đất biến động rất nhanh. Nguyên nhân là do hiện nay nhu cầu nhà ở, nhu cầu về các trung tâm công cộng, dịch vụ, thương mại, khách sạn vẫn đang rất lớn. Khi cung không đáp ứng được cầu thì giá lên.

Thứ hai, bản thân khi có quy hoạch đó, một số tác động của quy hoạch thông qua việc đưa ra hình ảnh, định hướng, những hệ thống kết cấu hạ tầng rồi các điều kiện môi trường sống rất hiện đại, một số người do nhu cầu đã tìm đến những chỗ được quy hoạch để mua bán và giao dịch tự nhiên tăng lên. Tăng giao dịch lên sẽ dẫn đến biến động về giá cả.

Vậy ở góc độ quản lý chúng ta phải có giải pháp gì để khắc phục thực trạng trên?

Thứ nhất, chúng tôi đề xuất, phải sớm hoàn thiện quy hoạch này để phê duyệt. Thứ hai, phải thông tin rất rõ ràng về quy hoạch để người dân và những doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết rõ. Việc mọi người biết rõ quy hoạch, lộ trình thực hiện cũng là biện pháp ổn định được giá cả.
 
Chủ tịch Hà Nội: “Có hiện tượng kích giá đất” - 1
Các đại biểu lo ngại về cơn sốt đất vừa qua tại các vùng được quy hoạch (Ảnh: Việt Hưng)
 
Thông qua kiểm tra, kiếm soát vừa rồi có thể thấy phần lớn những giao dịch mua đất đai ở những vùng quy hoạch là những giao dịch có tính chất cầu giả, đầu cơ tích trữ và giao dịch giữa một số người với nhau. Thậm chí còn có hiện tượng đặt thành những giao dịch giả để mồi, kích giá lên.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đối với quy hoạch chung Hà Nội là cơ sở hạ tầng về giao thông sẽ được quy hoạch và thực hiện như thế nào để giải quyết được vấn đề ùn tắc?

Quy hoạch lần này tiếp tục đưa ra các giải pháp cải tạo, cải thiện hệ số về hạ tầng giao thông, trong đó có diện tích về đường, điểm đỗ tĩnh. Cùng với đó, tổ chức phân làn, phân luồng, tăng cường tuyên truyền….

Còn giải pháp dài hạn cho vấn đề này rất đồng bộ. Trước hết, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng mật độ lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… Chúng ta đã phát triển xe buýt và thành phố cũng đang cố gắng cấu trúc lại xe buýt để cho phù hợp với nhu cầu của người dân Hà Nội, nhưng xe buýt không phải là phép màu để giải quyết vấn đề.
 
Chủ tịch Hà Nội: “Có hiện tượng kích giá đất” - 2
Ông Nguyễn Thế Thảo: "Tạo những khu đô thị hấp dẫn để kéo 40 vạn dân ra bên ngoài" (Ảnh: Việt Hưng)
 
Trong đầu tư đường sắt trên cao, dưới thấp, một số nút nằm ở ngoài vùng kiểm soát của đô thị bảo tồn cũng sẽ cho phép đầu tư khác cốt. Chẳng hạn, Kim Liên phải hạ ngầm, ngã Tư Sơ, ngã Tư Vọng phải nâng lên. Một số tuyến vành đai bên ngoài cũng phải đầu tư khác cốt, đầu tư trên cao để tăng diện tích giao thông…

Một giải pháp nữa là phải giảm mật độ dân số nội đô.

Nhưng nhiều người hoài nghi về việc kéo 40 vạn dân ở khu vực trung tâm ra bên ngoài như đồ án đã đặt ra?

Việc này được thực hiện bằng cách kéo giãn những cơ quan của Trung ương, Chính phủ, trường đại học, các nhà máy ra bên ngoài. Đặc biệt, sẽ tạo thành những khu đô thị mới bên ngoài có điều kiện sống tốt hơn để  hấp dẫn, kéo người dân ở trung tâm lõi ra, phấn đấu giảm đô thị lõi xuống chỉ còn gần 1 triệu người. Tất nhiên, ở đây còn vấn đề tâm lý người dân.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đồ án đòi hỏi 90 tỷ USD, trong khi đất nước còn nhiều dự án và hiện thu ngân sách của Hà Nội chỉ là 72 ngàn tỷ đồng (khoảng 3,7 tỷ USD). Vậy Hà Nội sẽ lấy nguồn kinh phí từ đâu?

Đấy  chính là vấn đề mình quan ngại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, cùng với các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, kể cả ở trong nước và ngoài nước cũng như việc phân lộ trình thực hiện đến 2030, tầm nhìn 2050, tôi nghĩ chúng ta có thể làm được.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường