Chủ thẻ Visa không xuất cảnh, tiền vẫn được tiêu ở Mỹ

Không xuất cảnh, nhưng thẻ visa của chị Trần Thị Mai Hương (Hà Nội) vẫn bị sử dụng ở Mỹ với tổng số tiền thanh toán 2.400 USD. Chị Hương bị Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đòi tiền mà không biết vì sao.

Hai mặt thẻ tín dụng VISA của chị Mai Hương.
 Hai mặt thẻ tín dụng VISA của chị Mai Hương.

 

Bỗng dưng bị nợ

 

Theo phản ánh của chị Trần Thị Mai Hương - chủ thẻ Visa do Vietinbank phát hành, vào thời điểm tháng 1/2012, chị không xuất cảnh đi Mỹ. Hộ chiếu của chị Hương không có xác nhận nhập cảnh vào Mỹ trong thời gian này.

 

Tuy nhiên, chị Hương lại nhận được thông báo của Ngân hàng Vietinbank đã ghi nợ 3 khoản thanh toán trị giá 800 USD mỗi lần, tổng số tiền là 2.400 USD trên tài khoản thẻ Visa.

 

Trên sao kê và hóa đơn do ngân hàng cung cấp, chị Hương bất ngờ khi biết thẻ Visa của mình đã được “tiêu” tại siêu thị Wal-mart (Mỹ) vào ngày 19/1/2012.

 

Ngày 20/2, chị Hương khiếu nại với Vietinbank. Chị Hương khẳng định: Thời điểm này, chị không đi Mỹ, không mất thẻ nên không thể thực hiện 3 giao dịch này. Chị không nhận được tin nhắn thông báo số dư tài khoản của 3 giao dịch này. Hơn nữa, chữ ký trên các hóa đơn thanh toán không giống chữ ký trên mặt sau của thẻ (đã đăng kí với ngân hàng).

 

Tuy nhiên, theo trả lời của Trung tâm thẻ thuộc Vietinbank, ngân hàng đã tiến hành rà soát, tìm hiểu sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị Hương.

 

Nhưng căn cứ vào bộ chứng từ thanh toán, Visa - tổ chức thẻ quốc tế mà Vietinbank là thành viên - đã phán quyết ngân hàng thanh toán phía Mỹ thắng kiện. Cho nên, Vietinbank phải tuân thủ phán quyết này và không có cơ sở để tiếp tục truy đòi tiền với ngân hàng phía Mỹ.

 

Mặt khác, qua tìm hiểu, Vietinbank khẳng định, 3 giao dịch trên không phải dữ liệu thẻ giả, mà chính từ thẻ thật của khách hàng. Tin nhắn báo biến động số dư của các giao dịch đã được ngân hàng gửi cho chủ thẻ.

 

Do vậy, Vietinbank yêu cầu chị Hương phải bồi hoàn số tiền 2.400 USD mà ngân hàng đã phải trả thay trước đó. Nhưng ngân hàng đề xuất hỗ trợ chị Hương 50% tổng số tiền vay nợ này.

 

Chủ thẻ có thể tự bảo vệ ?

 

Trong công văn trả lời, Vietinbank khẳng định: “các giao dịch thanh toán là hợp lệ theo quy định của tổ chức thẻ Visa”.

 

Theo Vietinbank, quản lý thẻ visa thuộc trách nhiệm của khách hàng. Việc chị Hương không có mặt tại Mỹ không đủ cơ sở miễn trách nhiệm đối với các giao dịch phát sinh hợp lệ từ thẻ Visa của chị.

 

Hiện, ngân hàng đang tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng để yêu cầu hoàn trả tiền.

 

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự (Hà Nội), theo hợp đồng sử dụng thẻ của ngân hàng, chữ ký là “hàng rào kỹ thuật” để ngăn chặn việc thẻ bị lợi dụng.

 

Do vậy, khi siêu thị Wal-Mart chấp nhận thanh toán, thì Vietinbank phải kiểm tra kỹ bộ chứng từ và điều kiện thanh toán. Nếu siêu thị làm sai quy trình thì Vietinbank có quyền từ chối thanh toán.

 

“Ngân hàng đã không kiểm tra kỹ, không phát hiện sai khác về chữ ký của người giao dịch thì lỗi này thuộc về phía ngân hàng phát hành thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ”- luật sư Lập khẳng định.

 

Trao đổi về nghiệp vụ thanh toán thẻ quốc tế, một cán bộ Trung tâm thẻ của một ngân hàng lớn cho biết, ngân hàng phát hành thẻ thường khuyến cáo các đơn vị chấp nhận thẻ phải đối chiếu chữ ký trên thẻ và hóa đơn thanh toán.

 

Nhưng đôi khi, có nơi vẫn chấp nhận các giao dịch không phải của chủ thẻ. Khi có tranh chấp, tổ chức thẻ quốc tế căn cứ vào dữ liệu giao dịch để phán quyết. Có nghĩa là, dữ liệu thẻ là thật thì chủ thẻ phải trả tiền.

 

“Nếu ngân hàng thu thập được bằng chứng hoặc khách hàng có bằng chứng xác đáng là đã bị lợi dụng thẻ, thì các tổ chức phát hành thẻ sẽ bồi hoàn tiền cho khách hàng” – Vị cán bộ này nói.

 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, ở các nước sử dụng thẻ tín dụng phổ biến trong tiêu dùng như Mỹ, nhiều nơi yêu cầu chủ thẻ phải xuất trình ID (chứng minh thư) hoặc hộ chiếu và đối chiếu chữ ký.

 

Nhưng có nơi lại không cần đối chiếu chữ ký, mà sử dụng hệ thống thanh toán thông minh, chấp nhận chữ ký số. Do đó, người sử dụng bị mất thẻ hoặc bị lộ thông tin thẻ, thì có nguy cơ phải trả tiền oan.

 

“Ngân hàng phát hành thẻ phải lường trước rủi ro này và cảnh báo cho khách hàng. Vì tội phạm công nghệ cao có thể sao chép thông tin, làm giả thẻ để đánh cắp tiền của chủ thẻ. Vấn đề là ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, giám sát rủi ro phát sinh từ thẻ của khách hàng”- Ông Hiếu nói.

 

Về nguyên tắc, dù tổ chức thanh toán chấp nhận chữ ký số, thì ngân hàng phát hành thẻ phải thông báo cho khách hàng biết về dịch vụ mới này và ghi rõ trên hợp đồng sử dụng thẻ. Vì rõ ràng, nếu khách hàng chấp nhận sử dụng dịch vụ này thì khi xảy ra thiệt hại, họ mới chịu trách nhiệm. Ngược lại, nếu ngân hàng không thông báo thì khách hàng không phải chịu rủi ro.

 

Theo khuyến nghị của luật sư Lập, người sử dụng thẻ tín dụng nên đọc kỹ hợp đồng, các điều khoản liên quan đến rủi ro mất thẻ, lộ thông tin thẻ.

 

Trong quá trình sử dụng, nếu xảy ra tranh chấp, chủ thẻ có thể khởi kiện lên tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật bảo vệ người tiêu dùng.

 

Theo Thu Hằng

Tiền Phong