Chống cho vay nặng lãi: Hai Luật "đá" nhau
(Dân trí) - Đối chiếu với Điều 163 của Bộ luật hình sự hiện hành, nếu áp dụng quy định của dự thảo BLDS sẽ dẫn tới cấu thành tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng sẽ là khác nhau đối với các đối tượng chịu mức trần lãi suất khác nhau.
Sáng nay, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, hiện có hai luồng ý kiến về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483). Cụ thể, Điều 483 dự thảo Bộ luật quy định về lãi suất như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác”.
Về vấn đề này, loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Bộ luật về việc quy định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố và cho rằng, việc quy định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố để làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính là cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Bởi đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn lý do của việc nâng trần lãi suất từ 150% lên 200% theo lãi suất cơ bản, quy định này không bảo vệ được người yếu thế trong quan hệ cho vay, do đó đề nghị giữ như quy định hiện hành. Đối với việc không áp dụng mức trần lãi suất này đối với các tổ chức tín dụng nếu Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác cũng cần được làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, việc Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài không thay đổi mức lãi suất cơ bản trong khi mức chênh lệch giữa trần lãi suất với mức lãi suất do các tổ chức tín dụng cho vay là quá lớn và có lúc đã làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đó là trách nhiệm trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự hiện hành thì “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”.
Khoản 1 Điều 205 dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này quy định về tội cho vay lãi nặng như sau: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do Bộ luật dân sự quy định từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm”.
Đối chiếu với Điều 163 của Bộ luật hình sự hiện hành, nếu áp dụng quy định của dự thảo BLDS sẽ dẫn tới cấu thành tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng sẽ là khác nhau đối với các đối tượng chịu mức trần lãi suất khác nhau.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu với dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) cũng sẽ gây ra vướng mắc vì quy định “giao dịch dân sự” với “mức lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự” tại khoản 1 Điều 205 dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) nêu trên có áp dụng đối với giao dịch giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay với mức lãi suất khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hay không nếu Bộ luật dân sự “trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng quy định khác”. Các quy định này có bảo đảm tính công bằng, thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp luật hay không cần được xem xét một cách toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị, không quy định lãi suất cơ bản trong Bộ luật dân sự vì, trong nền kinh tế thị trường, giao dịch dân sự dựa trên sự thỏa thuận; không quy định lãi suất cơ bản vẫn có căn cứ để thực hiện nghĩa vụ tài chính (chẳng hạn như lãi suất trung bình của một số ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố...).
Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho hay, Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, do đây là vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau, nên đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Nguyễn Hiền