Chọn điểm rơi để vay ngoại tệ

Sự biến động thị trường tài chính rất phức tạp, các DN nên có giám đốc phụ trách tài chính chuyên nghiệp để sáng suốt hơn trong việc chọn vay loại ngoại tệ nào, trong thời điểm nào, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Sau khi đồng yen (JPY) tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua (83 JPY ăn 1 USD), trưa 15/9, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chính thức can thiệp vào thị trường hối đoái để hạn chế bớt đà tăng giá của đồng yen, nhờ đó ngay lập tức đồng tiền này giảm giá 3%, xuống mức 85,5 JPY đổi 1 USD.

Trong lúc đó, tại Việt Nam (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – VCB) cũng hạ giá bán đồng yen từ mức 335,32 đồng xuống còn 229,26 đồng/JPY, làm cho những doanh nghiệp (DN) vay đồng yen bỗng giảm nhẹ được một phần nợ.

Lãi thấp hóa... rất cao

Chọn điểm rơi để vay ngoại tệ  - 1
Tỉ trọng vay USD của các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%. Giá USD gần đây tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp nợ USD lo ngại.
 
Từ trước tới nay, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thường thấp hơn từ 60% - 65% so với vay đồng Việt Nam (VNĐ). Do đó, nhiều DN khi có nhu cầu thường chọn vay ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị, vật tư, hàng hóa tiêu dùng hoặc bán ngoại tệ lấy VNĐ để làm vốn hoạt động.

Tuy nhiên, do không biết chọn đúng điểm rơi (thời điểm có lợi nhất) để vay nên sau một thời gian giải ngân xong thì tỉ giá biến động, làm cho giá trị món nợ (cả vốn gốc và tiền lãi) bỗng cao hơn nhiều so với vay VNĐ, dẫn đến thiệt hại lớn cho DN. Điển hình là trường hợp của Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

Trước đây, PPC được Chính phủ Nhật cho vay số vốn khá lớn để xây dựng nhà máy nhiệt điện. Sau nhiều năm trả bớt, hiện công ty còn nợ Nhật trên 30 tỉ JPY. Do được vay ưu đãi nên lãi suất danh nghĩa chỉ có 2,63%/năm. Tuy nhiên, vì JPY liên tục tăng giá trong các năm qua nên ngoài khoản lãi danh nghĩa thì PPC còn phải chịu một khoản trượt giá quá lớn.

Ngày 16/9/2010, giá JPY bán tại VCB là 229,26 đồng. So với ngày cuối cùng năm 2007, lúc đó giá JPY chỉ có 143,96 đồng thì đến nay (sau gần 33 tháng) đã bị trượt 59,2% (tức chênh lệch 85,3 đồng/JPY). Như vậy, tính trung bình mức trượt giá là gần 1,8%/tháng (tương đương 21,6%/năm). Nếu tính cả lãi suất danh nghĩa nữa thì lãi thực tế lên đến khoảng 24,23%/năm.

Năm 2010, tỉ giá JPY tăng mạnh nên PPC lại lo âu với khoản trích dự phòng trả nợ ngoại tệ. Theo công bố của VCB, từ đầu năm đến nay, giá JPY đã trượt thêm 25,97 đồng/JPY, như vậy với khoản nợ hơn 30 tỉ JPY thì PPC phải chịu thiệt hại vì trượt giá là 779 tỉ đồng (tạm tính). Được biết, năm 2008, do giá JPY cũng bị trượt mạnh nên PPC phải bù hơn 1.500 tỉ đồng, làm cho nhà đầu tư bị mất hết cổ tức.

Vay khi giá lên mức cao nhất

Các DN trong nước thường vay USD, JPY, EUR, GBP... để thanh toán tiền nhập khẩu, trong đó USD chiếm khoảng 60% tỉ trọng toàn bộ thị trường. So với cách nay đúng một năm, giá EUR đã bị giảm 5,45%, còn USD tăng 9,3%, GBP tăng 1,24%, AUD tăng 15,9%, CAD tăng 11,56%, JPY tăng 13,38%... Lãi suất tín dụng ngoại tệ hiện ở mức trung bình 5%/năm. Trong điều kiện lãi suất VNĐ cao (mặc dù đã giảm khá nhiều so với trước) nhưng hiện vẫn còn khoảng 14%/năm thì nếu DN vay loại ngoại tệ mà giá biến động rất ít thì vẫn có lợi hơn vay tiền VNĐ. Còn nếu vay loại ngoại tệ có giá trượt mạnh, khi cộng với lãi danh nghĩa nữa thì nó sẽ cao hơn lãi vay VNĐ. Điều đó gây bất lợi cho DN.

Trên thị trường quốc tế, giá từng loại ngoại tệ thường biến động theo quan hệ cung – cầu, sự ổn định chính trị, sức khỏe kinh tế nước đó... theo từng chu kỳ. Do đó khi vay ngoại tệ, với kỳ hạn dài, DN cần tính toán điểm rơi của chu kỳ biến động nhằm có lợi nhất cho khoản nợ của mình. Thông thường thời điểm giá trị ngoại tệ lên mức cao nhất trong chu kỳ biến động thì vay. Còn khi mua trả nợ thì chọn lúc giá trị ngoại tệ xuống mức thấp nhất.

Theo ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, sự biến động thị trường tài chính rất phức tạp, các DN nên có giám đốc phụ trách tài chính chuyên nghiệp để sáng suốt hơn trong việc chọn vay loại ngoại tệ nào, trong thời điểm nào, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Theo Trần Phú Minh
NLĐ