Cho thuê tài chính sẽ sôi động
Theo ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, tiềm năng thị trường cho thuê tài chính là rất lớn và sang năm 2007 sẽ rất sôi động tuy nhiên thị trường này vẫn còn có một số hạn chế.
So với các dịch vụ tài chính khác, cho thuê tài chính còn khá mới ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường này?
Mặc dù là một loại hình tổ chức tín dụng mới ra đời (xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1998) song hoạt động của các công ty cho thuê tài chính trong thời gian qua đã phần nào làm giảm sức ép và gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cung ứng vốn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là vốn trung, dài hạn.
Các ngân hàng thương mại thường cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín đã hoạt động lâu năm vay vốn trung, dài hạn và phải có tài sản đảm bảo chắc chắn.
Còn với các công ty cho thuê tài chính thì lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê tài chính (trang bị tài sản cố định) mà không cần tài sản thế chấp và thủ tục cho thuê nhanh gọn, không phức tạp.
Hiện Việt Nam có trên 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong vài năm tới, với đà phát triển như hiện nay, sẽ có hàng chục ngàn doanh nghiệp nữa ra đời. Đây chính là đích mà các công ty cho thuê tài chính nhằm tới để phục vụ, vì vậy có thể nói tiềm năng thị trường cho thuê tài chính là rất lớn và dự báo sẽ sôi động.
Ông có thể nói rõ hơn về những hạn chế đó cũng như giải pháp khắc phục và vai trò của một nhân tố mới là Hiệp hội?
Hoạt động của các công ty cho thuê tài chính hiện nay đã dần đi vào nề nếp sau khi có các nghị định về tổ chức và hoạt động cùng các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, thị trường cho thuê tài chính còn có một số hạn chế.
Tôi xin nêu một số thí dụ, như việc quảng bá hoạt động cho thuê tài chính cũng như tiện ích các dịch vụ chưa sâu rộng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến loại hình dịch vụ này.
Một số doanh nghiệp ý thức chấp hành luật pháp chưa tốt, ở đây là ý thức thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đã ký với các công ty cho thuê tài chính chưa nghiêm túc và việc xử lý các doanh nghiệp này rất khó khăn.
Chính sách thuế hiện nay đã có những cải tiến đáng kể, nhưng còn thuế đối với hình thức mua và cho thuê lại, một nghiệp vụ mà các doanh nghiệp rất cần để có vốn lưu động, chưa được ngành thuế giải quyết; hay như một số quy định về mua bán tài sản đã qua sử dụng vẫn chưa được nhìn nhận một cách khách quan.
Những hạn chế trên, chúng tôi sẽ cùng các công ty cho thuê tài chính kiên trì kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn cho các công ty cho thuê tài chính, để đưa dịch vụ này phát huy tốt hơn vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam và dần theo chuẩn mực quốc tế.
Khi gia nhập WTO, cho thuê tài chính là một dịch vụ có những cam kết mở rộng. Ông đánh giá thế nào về những cam kết này cũng như cơ hội và thách thức đối với các công ty cho thuê tài chính Việt Nam?
Theo báo cáo cam kết, các tổ chức tín dụng sẽ được tham gia liên doanh trong các công ty cho thuê tài chính hoặc thành lập 100% vốn trực thuộc. Một số thông tin gần đây cũng đề cập đến kế hoạch của Ngân hàng nhà nước về việc xây dựng lộ trình mở cửa lĩnh vực cho thuê tài chính theo hướng đến năm 2010 sẽ mở cửa hoàn toàn.
Tôi cho rằng những thị trường sẽ có nhiều đổi thay, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn nhưng quan trọng nhất là sẽ có được một thị trường sôi động.
Điều quan trọng là thể chế, luật pháp Việt Nam sẽ phải thay đổi theo chuẩn quốc tế, sẽ tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường phát triển. Cam kết là một phần nhưng đó cũng là yêu cầu của phát triển và hội nhập. Chúng ta được lợi vì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp ra đời, thêm đối tượng phục vụ của các công ty cho thuê tài chính.
Bản thân những công ty cho thuê tài chính trong nước phải hoàn thiện hơn cả về năng lực tài chính, yếu tố con người và phải biết nắm lấy những cơ hội. Đó là khả năng tiếp cận được những kinh nghiệm quản lý và công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài.
Nhưng, trong cuộc cạnh tranh này, nếu các ngân hàng thương mại có cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích thì các công ty cho thuê tài chính chỉ đầu tư vào tài sản cố định mà không có dịch vụ khác hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh.
Việc huy động vốn cũng rất khó khăn, hiện các công ty cho thuê tài chính vốn chủ yếu nhờ vào việc cung ứng của các ngân hàng mẹ, chưa có công ty tự huy động vốn (trừ một vài công ty tự huy động nhưng với tỷ lệ rất nhỏ).
Và nữa, cho thuê tài chính trên thế giới có bề dày hơn 60 năm, trong khi các doanh nghiệp này tại Việt Nam hoạt động chưa đầy 10 năm, đó cũng là một bất lợi.
Theo Nhân Dân