Chớ để con số “ru ngủ”

5 năm với gần 114.000 DN mới ra đời đã góp phần tạo ra một diện mạo mới về khu vực kinh tế tư nhân VN đầy năng động và hùng mạnh. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu mới được công bố của Chương trình phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) về việc đăng ký và thành lập DN tại VN đã đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ.

Theo báo cáo này, con số trên mô tả tương đối chính xác tốc độ các DN mới chính thức đăng ký, nhưng không phải là chỉ số đáng tin cậy minh họa qui mô hay tốc độ phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong sự vận động của cả nền kinh tế.

Đó là do hệ thống đăng ký DN của VN hiện nay chưa cung cấp được thông tin đầy đủ về những DN đã dừng hoạt động hay thay đổi và lý do thay đổi.

Trong khi đó, trong một nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, việc dừng kinh doanh cũng như việc đăng ký kinh doanh mới là hiện tượng bình thường của quá trình phát triển khi mà các DN phản ứng với những thay đổi liên tục của môi trường bên ngoài, ví như cơ hội thị trường không đúng như dự báo ban đầu, các khó khăn mới xuất hiện…

Các chuyên gia của MPDF cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 300 DN được thành lập từ tháng 1-2000 đến tháng 12-2002 tại một số tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy: 73,7% trong số này đang hoạt động, 13,7% đã đóng cửa hoặc không hoạt động, số còn lại trong tình trạng không rõ ràng.

Trên toàn quốc chỉ có khoảng 73% DN đăng ký là đang thật sự hoạt động. Nhưng hoạt động như thế nào thì không cơ quan chức năng nào nắm được vì hiện nay vấn đề hậu kiểm sau khi thành lập DN vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, trưởng Ban điều hành hệ thống đối thoại DN với chính quyền TPHCM, con số DN đăng ký thành lập mới đang “ru ngủ” nhiều người về tốc độ phát triển và sự hùng mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

“Hiện nay chúng ta chưa có một khảo sát thật sự về việc có bao nhiêu DN đang hoạt động, tình hình góp vốn thế nào, ai thành công, ai phải rút lui khỏi thị trường, họ gặp những khó khăn gì, cần chính quyền hỗ trợ ra sao... Chúng ta gần như đang thả nổi về mặt hậu kiểm” - ông Nghĩa nhìn nhận.

Có một thực tế mà nhiều DN ngoài quốc doanh đã lên tiếng: sự phát triển của họ đang tiếp tục bị nhiều yếu tố cản trở, trong đó nhiều nhất là phải kể đến những vấn đề về vốn và đất.

“Nếu không có những tiến bộ vượt bậc về cải thiện lĩnh vực này, nhiều DN ngoài quốc doanh của VN sẽ chỉ tồn tại với qui mô nhỏ, với nguồn vốn cố định ít ỏi và chỉ có các mục tiêu ngắn hạn trong chiến lược kinh doanh” - báo cáo của MPDF cảnh báo.

Theo Tuổi trẻ