Chia quyền lực trong IMF cho nhóm nước mới nổi
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính và đại diện Ngân hàng Trung ương nhóm nước G20 đạt đến thỏa thuận lịch sử về việc tăng thêm quyền lực cho nhóm nước mới nổi trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Ông Dominique Strauss-Kahn, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) coi thỏa thuận trên mang tính lịch sử.
Cụ thể châu Âu sẽ từ bỏ 2 vị trí có quyền bỏ phiếu trong hội đồng bao gồm 24 thành viên cho nhóm nước đang phát triển mạnh và chuyển giao 6% quyền bỏ phiếu cho nhóm này.
Ông Strauss-Kahn, người đứng đầu tổ chức có 187 nước thành viên, nhận xét: “Điều này đánh dấu đổi mới mang tính lịch sử trong việc quản trị IMF”.
Cách đây 1 năm, G20 đã thống nhất chuyển khoảng 5% quyền bỏ phiếu sang nhóm nước đang phát triển như Ấn Độ và Braxin, quyền lực của nhóm nước này trong IMF chưa tương xứng với sự trỗi dậy trong vai trò động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu.
Thỏa thuận trên hết sức gây bất ngờ bởi người ta chưa hề kỳ vọng đến nó cho đến khi G20 tiếp tục nhóm họp vào tháng 11/2010.
Sau thay đổi trên, 10 cổ đông lớn nhất trong IMF bao gồm Mỹ, Nhật, 4 nước châu Âu; Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.
Đối với vấn đề đồng USD yếu, khi phía Trung Quốc và Hàn Quốc chưa vội đưa ra cam kết nào, đồng USD có thể sẽ tiếp tục đi xuống.
Trong 1 diễn biến khác, G20 chưa thể thống nhất về vấn đề tỷ giá dù G20 đã phối hợp hết sức nhuẫn nhuyễn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự đoàn kết của nhóm đã chịu thách thức bởi tăng trưởng thấp tại nhóm nước giàu và nỗ lực của chính phủ một số nước mới nổi trong việc giữ tỷ giá ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong G20, Arập Saudi, Đức, Nga có thặng dư tài khoản vãng lai cao tuy nhiên Trung Quốc mới là mục tiêu lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc chính là mục tiêu ngầm định trong tất cả các tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner bởi hành vi can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá của Trung Quốc.
Ngọc Diệp
Theo Reuters, WSJ