1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Chia” lại thị trường điện thoại di động

(Dân trí) - Thông tin Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Dầu khí (Petrosetco) sẽ chính thức nhảy vào thị trường phân phối điện thoại di động đã phá vỡ thế độc quyền của các đại gia trong ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Petrosetco lại góp mặt vào thời điểm này trong khi lượng thuê bao điện thoại di động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các vùng lân cận hai thành phố lớn đang bùng nổ và gần đạt mức bão hòa?

Thị trường chia năm xẻ bảy

Thị trường phân phối điện thoại thực tế đang chia nhiều ngả. Nếu FPT gắn liền với các thương hiệu điện thoại lớn tại Việt Nam thì các công ty nhỏ hơn cũng chiếm lĩnh được những thị phần nhất định. Thành Công Mobile với Panasonic, Innostream, Pantech, P&T với Sony Ericsson; An Bình với Dopod, BenQ-Siemens...

Gần đây một số đại lý bán lẻ lớn, có uy tín đã phát triển mô hình chuỗi siêu thị điện thoại di động như NETTRA, Thế giới di động, Viễn thông A, v.v… Nhưng chủ yếu thị trường bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam vẫn còn khá manh mún với rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ.

Do bị lệ thuộc vào nhà cung cấp và vì không có quyền thương lượng nên các đại lý nhỏ lẻ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Trên thực tế, nhiều người nhảy vào thị trường này rồi sau một thời gian là bị thâu tóm và biến mất khỏi thị trường. Điều đó phần nào hạn chế sự phát triển của thị trường điện thoại di động tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của một số chuyện gia trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động, hệ thống của hầu hết các nhà phân phối vẫn còn rất sơ khai, mạng lưới phân phối yếu kém, mang tính địa phương, tư nhân. Chiến lược của họ không rõ ràng, chủ yếu là cố gắng nhanh chóng đẩy hàng ra khỏi kho hơn là xây dựng một hệ thống phân phối để phục vụ lâu dài cho thị trường.

Thực tế, tuy lượng thuê bao điện thoại di động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các vùng lân cận hai thành phố lớn tuy đang dần tiệm cận mức bão hòa thì số thuê bao điện thoại di động ở các tỉnh thành còn lại vẫn còn tương đối thấp, hứa hẹn một tiềm năng phát triển rất lớn tại các thị trường này.

Vẫn là “miền đất hứa”

Thị trường điện thoại di động ở Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất trong toàn vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Ở những thành phố lớn thì hiện tượng “nhà nhà di động, người người di động” là chuyện phổ biến. Tuy rầm rộ như thế nhưng so với các nước trong khu vực, thị trường nước ta còn khá non trẻ.

Thống kê năm 2006 cho biết tỉ lệ thuê bao điện thoại di động trên tổng dân số ở Việt Nam chỉ là 20%, trong khi Philippin 40%, Thái Lan 50%, Malaysia 80% và Singapore 106% (nhiều người có 2 hay 3 máy). Do vậy, tiềm năng tăng trưởng của thị trường điện thoại di động Việt Nam còn rất lớn.

Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại thị trường Việt Nam chỉ vỏn vẹn đạt mức 0,3 triệu. Nhưng chỉ 6 năm sau cả nước đã có hơn 20 triệu thuê bao. Với mức tăng trưởng rất cao hiện nay, số thuê bao điện thoại di động được ước tính sẽ đạt tới 30 triệu vào cuối năm 2007, tức là tăng gấp 100 lần trong vòng 7 năm.

Có hơn 20 hãng điện thoại di động đã và đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường Việt Nam với những tên tuổi như Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson, Siemens... Doanh số thị trường bán lẻ điện thoại di động Việt Nam năm 2006 xấp xỉ 900 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2005.

Lĩnh vực này cũng được xem là nóng nhất với khoảng 30 triệu thuê bao sẽ đạt được vào cuối năm nay. Thị trường phân phối điện thoại di động tại Việt Nam vì thế vẫn được xem đã đủ độ lớn để kích thích nhiều công ty có tiềm lực vào cuộc.

Để trở thành đối tác phân phối chính thức của Nokia, Petrosetco đã thành lập đơn vị trực thuộc mới là Chi nhánh Viễn thông Dầu khí (PV Telecom) chuyên phân phối sản phẩm Nokia cho các nhà bán lẻ điện thoại di động trên toàn quốc.

PV Telecom dự kiến sẽ bán đợt hàng đầu tiên vào cuối tháng 5 này tại các tỉnh phía Nam và sẽ phân phối trong phạm vi toàn quốc vào tháng 6/2007. Việc bắt tay giữa Nokia và Petrosetco được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Qua đó, Petrosetco kỳ vọng sẽ phát triển một hệ thống phân phối chuyên nghiệp bao phủ cả nông thôn lẫn thành thị, trước khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường phân phối vào năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phúc Hưng