Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm 4 điểm trong quý II
(Dân trí) - Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2010 giảm 4 điểm so với quý I/2010 và tăng 34 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào quý III/2008.
Công ty Dịch vụ Thông tin Tài Chính WVB Việt Nam (WVB FISL) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí (PVFC Invest) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh WVB-PVFC Invest cho Quý II/2010.
Đây là cuộc khảo sát được tiến hành hàng quý do hai công ty WVB Việt Nam và PVFC Invest phối hợp tổ chức. Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên. Cuộc khảo sát lần này kéo dài từ ngày 15/6 đến tuần đầu tháng 7 đã thu hút được sự tham dự của 167 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam. Hơn 60% trong số đó là các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo kết quả điều tra, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2010 giảm 4 điểm so với quý I/2010 và tăng 34 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào Quý III/2008. Như vậy, đây là lần thứ 3 Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm điểm kể từ lần thực hiện đầu tiên và có tỷ lệ giảm khá lớn, chỉ đứng sau lần giảm 7 điểm vào quý IV/2008. Kết quả này đã phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của đa số các chủ doanh nghiệp trong nước trước những diễn biến của kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Trong cuộc khảo sát lần này, nhóm khảo sát doanh nghiệp của WVB FISL và PVFC Invest cũng tìm hiểu ý kiến về những vấn đề có tầm ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của các doanh nghiệp trong quý II như: Sự ảnh hưởng của biến động tỷ giá ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước; Xu hướng của đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam và những yếu tố gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng biến động tỷ giá ngoại tệ đang gây ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước; Đầu tư nước ngoài sẽ chủ yếu tập trung vào các ngành Công nghệ thông tin (chiếm 20,70%), Công nghiệp khai khoáng (26,17%) và Bất động sản (37,11%).
Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn và các thủ tục hành chính đang là những trở ngại lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
An Hạ