Chi 66 tỷ đồng để mua xe giá 6 tỷ?

Nếu những đề xuất mới đây của Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) trở thành hiện thực, người tiêu dùng khi mua một chiếc xe hơi có giá 6 tỷ đồng sẽ phải bỏ ra thêm số tiền gấp đến 10 lần giá xe chỉ để có… quyền mua chiếc xe đó.

Đề xuất “khắc nghiệt”

Tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ngày 31/5/2011, VAFI đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm mục tiêu hạn chế lượng ôtô, xe máy lưu hành, đồng thời giảm nhập siêu và kiềm chế tai nạn giao thông.

Trong đó đối với mặt hàng ôtô, VAFI đề xuất áp dụng phí được quyền mua ôtô con (xe chở người dưới 10 chỗ ngồi - PV), trừ taxi và xe du lịch phục vụ công cộng cho mọi đối tượng. Các mức phí được phân chia theo giá trị thị trường của xe, và bắt đầu tính từ loại xe bình dân.

Chi 66 tỷ đồng để mua xe giá 6 tỷ? - 1
Để có được chiếc xe này, người VN phải bỏ thêm 60 tỷ để mua "quyền được mua"?

Cụ thể, “mức phí khởi đầu sẽ bằng 100% giá trị thị trường của xe bình dân và được nâng lên mức lũy tiến, theo nguyên tắc phí thu sẽ vượt từ 3 - 10 lần giá trị thị trường của các dòng xe xa xỉ”.

Có thể lấy một ví dụ từ đề xuất này để thấy được mức độ “khắc nghiệt” trong trường hợp đề xuất của VAFI được áp dụng thành chính sách.

Ở mức độ cao nhất, một chiếc xe được xếp vào hạng xa xỉ như Porsche 911 Carrera GTS nhập khẩu nguyên chiếc do Công ty TNHH Xe hơi Thể thao Uy tín (PSC) phân phối với mức giá 6 tỷ đồng. Để mua được chiếc xe này, ngoài số tiền 6 tỷ đồng trả cho PSC, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra thêm 60 tỷ đồng (gấp 10 lần) nộp vào ngân sách Nhà nước để có quyền được mua.

Đối với mặt hàng xe gắn máy, VAFI đề xuất thu phí ở mức thấp hoặc vừa phải đối với các loại xe bình dân để từng bước khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Với các loại xe đắt tiền (giá trị gấp từ 3 lần trở lên so với xe bình dân), mức phí thu bằng từ 2 lần giá trị xe trở lên, xe đắt tiền gấp 5 lần xe bình dân thì phí thu bằng 4 lần giá trị xe…

Riêng các loại xe thuộc nhóm có giá bán thấp nhất tương ứng với người có thu nhập thấp ở nông thôn, các thành phố nhỏ, VAFI đề xuất không thu phí.

Cơ quan này cho rằng, biện pháp trên có thể gần như hoàn toàn ngăn chặn được việc sử dụng xe xa xỉ đắt tiền, có thể giảm khoảng một nửa tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc, giúp hạn chế tình trạng nhập, hạn chế được phần nào tình trạng ùn tắc giao thông.

VAFI khẳng định “ngay từ bây giờ cần phải xác định nguyên tắc cơ bản: Nếu chúng ta không có những giải pháp cương quyết mạnh mẽ trong việc hạn chế sử dụng ôtô, xe máy thì sẽ có ngày (trong tương lai gần) sẽ không có đường để đi mặc dù hàng năm ngân sách Nhà nước bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ để phát triển giao thông công cộng.

Không lập thêm nhà máy ôtô, xe máy

Bên cạnh đề xuất ban hành phí được quyền mua ôtô, xe máy, VAFI cũng đề xuất không cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy.

Lý do đưa ra đề xuất này, theo VAFI, là do hiện nay nước ta đã có quá nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, năng lực sản xuất quá dư thừa dẫn tới giá thành sản xuất cao. Trong khi đó, tất cả các cơ sở sản xuất này đều không có khả năng nội địa hóa (tỷ lệ nội địa hóa không vượt quá 50% nếu xét về mặt giá trị).

“Vì rất nhiều lý do khác nhau, và từ kinh nghiệm thực tế hoạt động của ngành sản xuất ôtô, xe máy thì có thể khẳng định rằng nước ta không thể xây dựng được ngành công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy ở mức độ tương đối hoàn chỉnh, đây là 1 thực tế  không chỉ ở nước ta mà còn rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc ra đời và hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất ôtô, xe máy từ trước tới nay đều vận dụng nguyên tắc “thuế thấp cho khu vực sản xuất trong nước” nhưng họ không thể có khả năng phát triển theo chiếu sâu (tăng tỷ lệ nội địa hóa đáng kể)”, VAFI nhận định.

Theo Đức Thọ
VnEconomy