Châu Âu cuống cuồng chuẩn bị cho tình huống bị Nga cắt khí đốt
(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm tái xuất khẩu khí đốt và hạn chế sử dụng nguồn năng lượng này cho hoạt động công nghiệp nhằm đảm bảo có đủ nhiên liệu trong tình huống bị Nga cắt cung khí đốt vào mùa đông năm nay.
Ảnh minh họa.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nga là nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu đối với các nguồn năng lượng quan trọng là dầu lửa, than đá và khí đốt. Các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu chủ yếu chạy qua lãnh thổ Ukraine.
Cách đây ít hôm, Thủ tướng Ukraine Yarseni Yatseniuk cảnh báo, Nga có kế hoạch cắt khí đốt cho châu Âu, trong khi Moscow đáp trả bằng nhận định rằng, Ukraine có thể “câu trộm” khí đốt từ các đường ống dẫn khí sang châu Âu để dùng.
Hiện tại, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Ukraine đã bị cắt do hai bên không thống nhất được về vấn đề giá cả.
Mấy ngày qua, khi chiến sự ở miền Đông Ukraine leo thang mà phương Tây cho là do Nga tăng cường hỗ trợ quân nổi dậy, EU đã cảnh báo tăng cường trừng phạt Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin không thay đổi lập trường. Trong bối cảnh như vậy, khả năng Nga cắt khí đốt để trả đũa châu Âu càng gia tăng.
Nếu bị cắt nguồn cung dầu lửa và than từ Nga, các khách hàng châu Âu có thể tìm nguồn cung mới khá nhanh chóng, nhưng các nước Đông Nam châu Âu nhập khí đốt chủ yếu từ tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga nên việc tìm nguồn cung mới sẽ không phải là chuyện dễ.
Tàu chở dầu từ Qatar và Algeria vẫn chở khí hóa lỏng tới châu Âu qua các cảng dọc theo bờ Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các khách mua châu Âu thường bán lại những lô hàng này này cho khách nước ngoài để thu về mức giá cao hơn thay vì cung cấp cho thị trường nội địa. Một nguồn tin thuộc Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng, cơ quan này đang cân nhắc ban hành lệnh cấm hoạt động bán lại khí đốt trên nhằm tăng mức dự trữ khí đốt của châu Âu.
“Trước mắt, chúng tôi đang rất lo ngại về nguồn cung khí đốt trong mùa đông cho khu vực Đông Nam châu Âu”, vị này nói. “Trong trường hợp nguồn cung từ Nga bất ngờ bị cắt, chúng tôi hy vọng sẽ dừng được hoạt động tái xuất khẩu khí đốt của châu Âu và hạn chế sử dụng khí đốt cho công nghiệp để bảo vệ nguồn cung cho các hộ gia đình”.
Biện pháp cắt giảm sử dụng khí đốt trong công nghiệp có thể sẽ làm tổn thương tới nền kinh tế vốn dĩ đang tăng trưởng mong manh của châu Âu. Việc cấm các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu tái xuất khẩu khí đốt cũng làm cho doanh thu và lợi nhuận của các công ty này thêm phần ảm đạm.
Theo các chuyên gia, dù châu Âu có nỗ lực ra sao, khu vực này vẫn sẽ chật vật nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Từ tháng 7 tới nay, giá khí đốt đã tăng 35% vì mối đe dọa này. Nga đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu dầu lửa, than và khí đốt của châu Âu - theo số liệu của EU. Đổi lại, xuất khẩu các loại nhiên liệu này sang châu Âu mang về cho Nga 250 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 2/3 nguồn thu của Chính phủ Nga.
Trong 1 thập kỷ qua, Nga đã từng ba lần cắt khí đốt sang Ukraine, vào năm 2006, 2009 và từ tháng 6 năm nay, do bất đồng về giá cả với Kiev. Tuy vậy, sau khi cắt khí đốt cho Ukraine từ tháng vừa qua, Nga vẫn duy trì cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tập đoàn Gazprom của Nga khẳng định là một nhà cung cấp đáng tin cậy, rằng những vụ gián đoạn nguồn cung từng xảy ra chỉ là do Ukraine tự tiện “câu” khí đốt lẽ ra dành cho châu Âu.
Các nhà phân tích dự báo rằng, ảnh hưởng của một động thái cắt khí đốt tiếp theo của Nga sẽ gây ra lớn hơn nhiều so với những lần cắt trước. “Chúng tôi tin rằng tình hình Ukraine sẽ không được giải quyết trước khi xảy ra sự gián đoạn nguồn cung khí đốt. Và giá khí đốt sẽ tăng mạnh”, ngân hàng Pháp Societe General dự báo.
Phương Anh
Theo Reuters
Theo Reuters