Chất lượng kiểm toán viên chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập
(Dân trí) - Cả nước có khoảng 1.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, tuy nhiên chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán còn chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
(ảnh minh họa)
Theo tờ trình về dự án Luật Kiểm toán độc lập mà Chính phủ gửi Quốc hội, sau 19 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã phát triển nhanh về số lượng và quy mô cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp.
Đến tháng 6/2010 cả nước đã có 162 doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán với trên 6.700 người làm việc. Hầu hết các dịch vụ cung cấp cho khách hàng ngày càng được tín nhiệm, được xã hội thừa nhận.
Tuy nhiên, đối tượng khách hàng chủ yếu là kiểm toán các doanh nghiệp lớn ở một số lĩnh vực gồm: các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, công ty cổ phần niêm yết, công ty cổ phần đại chúng, công ty bảo hiểm, các dự án xây dựng bằng vốn Nhà nước và dự án của tổ chức quốc tế... Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực hiện kiểm toán.
Cũng tính đến tháng 6, cả nước có khoảng 1.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, tuy nhiên số lượng kiểm toán viên làm việc tại các công ty kiểm toán khoảng 1.200 người, bình quân mỗi công ty kiểm toán có 8 kiểm toán viên. So với nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng thì số lượng kiểm toán viên hiện có còn hạn chế.
Chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán còn chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài kiểm toán viên của các công ty kiểm toán lớn, đa số các kiểm toán viên còn lại ở các công ty hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp. Số lượng kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán quốc tế còn hạn chế (khoảng 480 người).
Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề của kiểm toán viên đôi khi vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác đối với mỗi kiểm toán viên khi hành nghề. Chế tài xử phạt hành vi vi phạm của kiểm toán viên chưa đủ mạnh để phòng ngừa và răn đe nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Bên cạnh đó, nhiều công ty kiểm toán mới thành lập quá nhỏ, số lượng kiểm toán viên có chứng chỉ chỉ đạt mức yêu cầu tối thiểu (3 người), trong đó thậm chí có người còn làm kiêm nhiệm công tác quản lý. Tỷ lệ nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên còn quá thấp, hay xáo trộn... Những điều đó đã dẫn đến chất lượng dịch vụ của một số công ty kiểm toán nhỏ vẫn chưa đạt yêu cầu.
Việc kiểm soát hoạt động của các kiểm toán viên đã được Bộ Tài chính phối hợp với Hội nghề nghiệp triển khai từ khi có hoạt động kiểm toán độc lập, tuy nhiên việc kiểm tra mới chủ yếu đánh giá về việc tuân thủ pháp luật và các quy định về kiểm toán mà chưa đi sâu vào đánh giá chất lượng kết luận của báo cáo kiểm toán, nguyên do là Bộ Tài chính và Hội nghề nghiệp không có đủ lực lượng cán bộ có chứng chỉ hành nghề để thực hiện kiểm tra (vì người đi kiểm tra đòi hỏi cũng phải có chứng chỉ hành nghề).
Theo tờ trình của Chính phủ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là: Pháp luật về kiểm toán độc lập chưa hoàn chỉnh, văn bản pháp luật cao nhất mới ở cấp Nghị định Chính phủ, trong khi các lĩnh vực khác đã được luật hoá (như chứng khoán, ngân hàng, kiểm toán nhà nước,...).
Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, các yếu tố của thị trường dịch vụ tài chính trong đó có dịch vụ kiểm toán vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, tập quán, nhu cầu sử dụng kiểm toán độc lập chưa cao. Năng lực quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập còn hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý, quy trình công nghệ quản lý chưa cao, chưa có kinh nghiệm.
Do đó, việc ban hành luật sẽ tạo ra một khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển. Dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, điều kiện để cấp chứng chỉ kiểm toán viên, điều kiện hành nghề kiểm toán...; quy định về các nguyên tắc kiểm toán, nội dung kiểm toán, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, của kiểm toán viên hành nghề và các điều bị nghiêm cấm, hạn chế để đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ và tính độc lập của ngành nghề này.
Những nội dung này là cần thiết, nhằm điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên trong suốt quá trình hoạt động; đó cũng là tiêu chí, điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng đối với ngành nghề này. Lĩnh vực kiểm toán mang tính chất dịch vụ chuyên ngành, hoạt động kiểm toán cũng có những điều kiện riêng và đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Mặt khác, hoạt động kiểm toán có phạm vi ảnh hưởng khá rộng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà còn các tổ chức, doanh nghiệp và công chúng đầu tư. Việc ban hành khuôn khổ pháp lý cao, chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện cho công tác giám sát chất lượng, phòng ngừa những thiệt hại cho nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập cũng sẽ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, cấp chứng chỉ kiểm toán viên và các biện pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán.
Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán, trong đó có doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích công chúng bắt buộc phải kiểm toán…
An Hạ