Chàng trai đắm say với Quý Phi... gà

Trải qua không ít thăng trầm trong 8 năm gắn bó với nghiệp chăn nuôi, chàng trai 32 tuổi Trần Văn Hợi, ở thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã chọn nuôi giống gà đặc sản mang tên Quý Phi để làm giàu.

Giống gà Quý Phi mà anh Hợi nuôi có xuất xứ từ châu Âu, nhiều người còn gọi là gà Hoàng gia. Đây là giống gà có mào, lông đẹp, có thể nuôi lấy thịt và làm cảnh.

 

Đoạn trường đến với gà

 

Không khó để tìm đến “đại bản doanh” gà của anh Hợi bởi cả xã này ai cũng biết Hợi “gà”. Lúc mới gặp Hợi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi dù quanh năm lo việc chuồng trại nhưng trông anh rất đẹp trai, phong độ, ăn nói lưu loát. Nhiều người gọi anh là hot boy cũng không sai. Vừa bước ra khỏi chuồng gà, anh Hợi đã kể về cái nghiệp chăn nuôi của mình. Lớn lên trong một gia đình thuần nông, học hết cấp 3 trường làng, anh rời quê đi làm đủ các loại nghề để kiếm sống, từ phụ xây, làm cơ khí… nhưng chẳng có nghề nào anh thấy thấy yêu thích và phù hợp.

 

Anh Trần Văn Hợi là người đưa giống gà Quý Phi ra miền Bắc. Ảnh: Hồng Vũ
Anh Trần Văn Hợi là người đưa giống gà Quý Phi ra miền Bắc. Ảnh: Hồng Vũ

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Năm 2006, anh quyết định một mình khăn gói vào miền Nam xin làm việc không lương ở các trang trại chăn nuôi với mục đích học hỏi kinh nghiệm để về quê lập nghiệp. “Khi đó phong trào nuôi dế trong miền Nam đang phát triển, tôi cũng mê con này, thế là đánh liều bỏ ra 35 triệu đồng tích cóp và vay được từ bạn bè, người thân để mua 30 chậu dế mang về quê nuôi”- anh Hợi nhớ lại. Năm đầu do chưa có kinh nghiệm, lại gặp thời tiết nóng lạnh thất thường ở miền Bắc nên “mẻ” dế đầu tay của anh chết hết. “Ròng rã 2 năm trời tôi nuôi dế, năm nào cũng thất bại, dế chết hàng trăm chậu, cứ đến lúc thu hoạch thì chết. Chưa kể có nuôi được cũng không có chỗ mà bán” - anh Hợi nhớ lại.

 

Đến năm 2010, trong một lần đem dế vào miền Nam bán, tình cờ anh thấy có một số gia đình nuôi giống gà lạ có mào hình rồng trông rất đẹp mắt. Trông thấy giống gà này, chàng “hot boy” mê như điếu đổ, “đắm say” với nó luôn, hỏi chuyện mới biết đó là giống gà có nguồn gốc từ châu Âu, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao và khả năng chịu bệnh tốt. Anh kể lại: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc phải nuôi và nhân bằng được giống gà đẹp đẽ, hiếm lạ này”. Và cũng từ đó, anh đoạn tuyệt với nghề nuôi dế.

 

Sau khi tìm hiểu trên mạng và sách vở về đặc điểm và cách chăm sóc giống gà này, anh Hợi mang theo 70 triệu đồng “ngược” trở lại miền Nam để tìm giống. “Thời gian đầu, tôi đi gõ cửa hỏi thăm từng nhà, nhặt nhạnh mỗi nhà vài con gà đem về làm giống. Có nhà họ chỉ nuôi gà làm cảnh nên dứt khoát không bán” - Hợi kể. Chuyến đi kéo dài suốt 1 tháng ròng, nhưng anh chỉ “gom” được 40 con gà giống đưa về quê nuôi thử nghiệm.

 

Trong cái khó lại ló cái dễ. Tuy khó tìm giống nhưng nếu biết chăm sóc, cho ăn và phòng trị bệnh cẩn thận gà sinh sản rất tốt. Giống gà này đẻ rất khỏe, cho tỷ lệ trứng cao gấp đôi so với giống gà bình thường. Thấy gà đẻ nhiều, với lại nếu phải vào miền Nam mới mua được con giống thì khá vất vả nên ngay trong đợt trứng đầu tiên, anh Hợi lựa chọn trứng và cho vào lò ấp. Kết quả bất ngờ, tỷ lệ gà nở khá cao, gà con cũng phát triển khỏe mạnh. Nhưng không may, nuôi chưa được 15 ngày, gà bỗng lăn ra chết mà không rõ nguyên nhân. Chỉ trong vòng 3 tháng, cả nghìn con gà giống của anh Hợi chết sạch, thiệt hại lên đến hơn 40 triệu đồng.

 

Sau lần đó, anh tìm đọc các thông tin trên mạng để điều chỉnh lại chế độ ăn và nhiệt độ phù hợp cho gà. Anh cũng tìm đến PGS-TS Phạm Ngọc Thạch (giảng viên chuyên ngành chăn nuôi ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhờ hướng dẫn cách phòng bệnh ở gà, từ đó mối lo gà giống bị chết đã được giải tỏa.

 

Muốn làm thuê cho chính mình

 

Về gà Quý Phi, chàng hot boy tâm sự, có thể nói cả ngày không chán. Theo anh, nuôi gà Quý Phi cũng giống như nuôi các giống gà khác. Thức ăn cho gà đơn giản gồm có thóc, cám, rau. Vào mùa nắng, nên nghiền rau, bèo hoặc cây chuối tiêu hồng để gà ăn cho mát, lại giảm được 30-35% lượng thức ăn cần sử dụng mà gà vẫn lớn, phát triển tốt. Đặc biệt, giá gà Quý Phi cao gấp 1,5 lần giống gà thường.

 

“Chỉ cần môi trường tốt có thể nuôi gà Quý Phi thành công đến 70%, 30% còn lại là do yếu tố con người” – anh Hợi chia sẻ.

 

Bình thường, mỗi tháng trại gà của anh Hợi bán ra thị trường 500 con gà thịt loại khoảng 1,3 – 1,5kg. Theo anh Hợi, giá gà Quý Phi luôn ổn định khoảng 250.000 – 300.0000 đồng/kg, mỗi con gà tối thiểu cũng có giá 300.000 đồng. Còn giá bán gà giống là 45.000 đồng/con, gà làm cảnh có giá đắt hơn, từ 500.000 – 600.000 đồng/con. Sau một thời gian tiếp cận các thị trường, đến nay anh Hợi trở thành người cung cấp gà thịt và giống gà cho hầu hết các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng.

 

“Cái hay của giống gà này là vừa có thương hiệu đặc sản, chất lượng thịt cũng thơm ngon, giá bán lại không quá cao. Cũng vì thế, loại gà này bán rất chạy, có đầu ra ổn định và có thể nhân nuôi được với số lượng lớn”- anh Hợi nói về lợi thế của gà Quý Phi.

Hiện, trang trại gà Quý Phi của anh Hợi rộng 700m2, đang nuôi hơn 1.500 con. Để tận dụng chuồng trại, anh còn nuôi thêm gà Đông Tảo và chim trĩ. Không giấu bí quyết “ăn mảnh” một mình, anh Hợi chủ động hỗ trợ 5 hộ chăn nuôi gà để có thể đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường, tránh vào những dịp tháng 7, tháng 8 không còn hàng để bán.

 

Chia sẻ về bí quyết nuôi giống gà quý này, anh Hợi nói: “Việc chăn nuôi gà Quý Phi quan trọng nhất là phải đảm bảo môi trường thân thiện, thoáng mát. Phải thường xuyên dọn dẹp chuồng trại và có hệ thống thông khí cho gà. Gà con giống được nuôi bằng lồng sắt cũng phải đảm bảo có đủ độ ấm, nhiệt độ cân bằng”.

 

Nói về dự định tương lai, anh Hợi không giấu giếm ước mơ của mình là xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi những động vật có giá trị cao cung cấp cho thị trường để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. “Tôi nghĩ mình sẽ không làm thuê cho bất cứ ai, mà tôi sẽ chỉ đạo tôi làm thuê cho chính mình” - anh bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tống Phan cho biết: “Mô hình nuôi gà Quý Phi của anh Hợi không chỉ là mô hình đầu tiên của Hưng Yên mà còn của cả miền Bắc. Nhờ có anh Hợi giúp đỡ, hiện nhiều hộ trên địa bàn xã đã bước đầu chăn nuôi gà Quý Phi để cải thiện kinh tế gia đình.  

 

Theo Hồng Vũ

Dân Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”