1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chắc chắn giá thép sẽ còn tăng

“Chắc chắn giá thép trên thị trường thế giới sẽ còn tăng” là lời khẳng định của hầu hết các chuyên gia quốc tế theo dõi sát mọi biến động liên quan đến quặng sắt, phôi thép, than cốc… (đầu vào của ngành sản xuất thép) trong thời gian gần đây.

Dự báo này còn được các nhà phân tích ủng hộ trong bối cảnh nhiều vụ sáp nhập giữa các tập đoàn sản xuất thép hàng đầu thế giới với giá trị lớn đang có thể trở thành hiện thực.

 

Mới đây, tổng giám đốc của 16 tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc đã tham dự cuộc họp khẩn cấp bàn về biện pháp đối phó trước việc 3 tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Companhia Vale do Rio Doc (CVRD-Brazil), Rio Tinto (Australia) và BHP Billion (Anh-Australia) nhất trí với nhau tăng giá quặng sắt lên 19% trong năm nay.

 

CVRD, Rio Tinto và BHP Billion hiện khai thác tới 75% tổng số quặng sắt trên thế giới, nên tiếng nói của 3 “ông lớn” này rất có trọng lượng. Việc tăng giá này ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất tới Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều quặng sắt nhất thế giới.

 

Theo nhiều nhà phân tích, việc tăng giá này có sự “tiếp tay” của Thysen Krupp, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Đức và của Nippon Steel Corp., JFE Holdings Inc. (Nhật Bản) và POSCO (Hàn Quốc), bởi đầu tiên là Thysen Krupp ký thoả thuận với CVRD về việc tăng 19% giá quặng sắt.

 

Tiếp theo, đến lượt Nippon Steel Corp., JFE Holdings Inc. cũng nhất trí với Rio Tinto về phương thức tăng 19% giá quặng sắt rồi đến lượt POSCO cũng đạt được thoả thuận tăng 19% giá quặng sắt với CVRD.

 

Các tập đoàn sản xuất thép Trung Quốc bị rơi vào thế “kẹt” bởi nếu không chấp nhận việc tăng giá này thì 3 nhà cung cấp quặng sắt lớn kia sẽ không bán quặng sắt cho.

 

Năm 2005, Trung Quốc sản xuất được khoảng 350 triệu tấn thép, gần gấp 3 lần so với đối thủ lớn nhất là Nhật Bản (115 triệu tấn). Như vậy, giá phôi thép và giá thép của Trung Quốc buộc phải tăng và giá phôi thép và thép trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ tăng.

 

Một động thái lớn khác nữa là, Tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới Mittal của Lakshmi Mittal, nhà tỷ phú thứ 5 thế giới quốc tịch Anh gốc Ấn Độ (với tổng tài sản là 23,5 tỷ USD-theo Forbes ngày 27/3/2006) đã liên tục đeo đuổi hòng mua lại Arcelor, tập đoàn sản xuất thép lớn hai thế giới của Liên minh châu Âu (EU). Sau khi không thành ở giá dạm mua ban đầu là 25,28 tỷ USD, Mittal cứ tăng dần giá lên với giá dạm mua gần đây nhất là 32,8 tỷ USD.

 

Tưởng mọi việc xuôi xuôi, ai ngờ trong tuần qua, Arcelor bất ngờ đạt được thoả thuận mua lại 89,6% cổ phần của Severstal, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Nga, với giá 16,6 tỷ USD. Nếu phi vụ này xong xuôi thì ý định mua lại Arcelor của Mittal chắc chắn sẽ tan thành mây khói.

 

Việc mua bán cổ phần của các tập đoàn thép càng thêm rôm rả khi cuối tuần trước, ông Roman Abramovich, tỷ phú giàu nhất Nga và là ông chủ độ bóng Chelsea của Giải ngoại hạng Anh cũng nhập “cuộc chơi” khi bỏ ra gần 3 tỷ USD mua lại 40% cổ phần của Evraz, một trong những tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Nga.

 

Nhiều chuyên gia thép quốc tế dự báo, sắp tới sẽ còn hứa hẹn nhiều phi vụ mua bán, sáp nhập lớn khác trong ngành thép thế giới, nhưng những ngành công nghiệp sử dụng nhiều sắt thép như xây dựng, sản xuất ô tô, đóng tàu…đang lo sốt vó vì giá thép sắp tăng.

 

Theo Đầu tư