CEO tập đoàn Shell: Giá dầu sẽ giảm

(Dân trí) - Thị trường nhiên liệu hạ nhiệt, kéo theo các hợp đồng dầu thô thế giới giảm giá là điều mà Jeroen van der Veer - CEO tập đoàn Shell danh tiếng - đã dự đoán trước từ khá lâu. Cũng chính nhân vật kỳ cựu này khẳng định: bất chấp mọi hoạt động đầu cơ náo nhiệt nào, tình trạng dầu khan hiếm sẽ khó có cơ hội xảy ra.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên tạp chí Newsweek, ngài Jeroen van der Veer đã trả lời những câu hỏi được dư luận quan tâm nhiều nhất liên quan đến ngành dầu thô, trong đó cả vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ, an ninh dầu và các nhân tố đe dọa giá dầu thế giới.

 

Giá dầu như hiện nay (dưới 69 USD/ thùng) liệu còn có thể kéo dài được bao lâu?

 

Dự đoán giá dầu, theo tôi là một việc làm vô nghĩa. Vì sao ư? Bởi hiện đang có rất nhiều nhân tố cùng lúc tác động lên thị trường dầu thế giới.

 

Số liệu điều tra cho thấy dự trữ dầu thô trong các nhà máy vẫn trong trạng thái bình thường, thậm chí tốt hơn cả mức bình thường. Thế giới hiện đang trải qua nhiều biến động, nhưng có thể khẳng định sẽ không xảy ra khủng hoảng dầu.

 

Còn việc giá dầu đang dao động ở mức thấp là do ảnh hưởng của 2 nhân tố: thứ nhất là căng thẳng trong vấn đề địa-chính trị, thứ hai là sự đổ bộ ồ ạt của một khối lượng tiền khổng lồ vào thị trường dầu từ các nguồn không chính thống, ví dụ như quỹ tự bảo hiểm.

 

Phải chăng chính các thương nhân đã bóp méo giá cả?

 

Khó có thể khẳng định giữa hai vấn đề này có mối liên quan. Theo ước tính, hiện các thị trường dầu thế giới đang là nơi “dung túng” cho khoảng 100 triệu USD từ các quỹ tự bảo hiểm, một con số không nhỏ chút nào. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì hiện tượng này không phải là dấu hiệu xấu.

 

Ông có đồng ý với quan điểm của ngài John Browne (tập đoàn BP) rằng trong dài hạn giá dầu sẽ xuống còn mức 40 USD/ thùng, thậm chí là 30 USD hoặc 25 USD?

 

Chúng tôi không đưa ra con số chính xác, tuy vậy chúng tôi cũng tin rằng sắp tới giá dầu sẽ giảm đáng kể.

 

CEO tập đoàn Shell: Giá dầu sẽ giảm - 1

 

 

Các công ty dầu khí nhà nước ngày càng hùng mạnh hiện đang gây khó dễ cho công ty nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn khai thác. Điều này có làm ông lo lắng?

 

Phần lớn các nguồn khai thác dầu dễ dàng hiện đang nằm trong tay công ty nhà nước. Tuy nhiên lợi thế vượt trội của các công ty đa quốc gia như Shell là công nghệ đỉnh cao có thể giúp chúng tôi tìm ra những nguồn dầu không chính thống - tức là dầu không khoan lên trực tiếp từ lòng đất mà có thể từ cát, từ đá phiến sét hoặc dưới đáy đại dương.

 

Ông có nghĩ, việc lo ngại nước Nga sẽ nổi lên thành quốc gia cung cấp năng lượng chính của thế giới có đôi chút thổi phồng?

 

Người Nga có lý khi nghĩ rằng, các công ty châu Âu tìm đến họ chỉ để “ăn theo” cái lợi thế mà họ đang có. Tuy nhiên nếu phía Nga muốn đầu tư ngược lại vào các công ty phân phối của phương Tây, theo tôi đó cũng là một sự dàn xếp ổn thỏa. Cả 2 bên có quan hệ phụ thuộc nhất định và cùng ăn chia lợi ích.

 

Tương lai của Shell sẽ là “elephant projects” - những dự án quy mô lớn, kinh phí khổng lồ và không đi theo lối mòn truyền thống?

 

Đúng là như vậy. Hiện tại chúng tôi đang triển khai 3 dự án trị giá nhiều tỷ USD: Sakhalin ở Nga, Bonga ở Nigeria và Nanhai ở Trung Quốc. Hy vọng trong thập kỷ tới số lượng sẽ tăng lên con số 10.

 

Trong bối cảnh hiện nay, điều gì khiến ông lo lắng nhất?

 

Thứ nhất, giá dầu sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới như thế nào? Trước mắt chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại, nhưng liệu có phải nó đang phá hoại ngấm ngầm không?

 

Thứ hai, đó là các vấn đề về thuế. Người ta hay thắc mắc, các công ty dầu khí đang kiếm bạc tỷ, vậy sao không đánh thuế nhiều hơn? Câu trả lời của chúng tôi là: trong trường hợp khan hiếm các nguồn cung cấp năng lượng mới, thì việc tốt nhất chúng tôi có thể làm là phải đầu tư mạnh tay hơn. Do đó tăng nộp thuế có nghĩa chúng tôi phải giảm bớt tiền đầu tư.

 

Khôi Vinh

Theo NewsWeek