Đắk Nông:
Cây gòn đắt hàng nhờ “ăn theo” giá tiêu
(Dân trí) - Giá tiêu tăng kỷ lục khiến bà con nông dân Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu chạy theo lợi nhuận. Nắm bắt được nhu cầu về cây làm trụ cho tiêu bám. Hàng ngàn chuyến xe chở cây gòn từ mọi nơi đổ về bán khắp các tỉnh Tây Nguyên.
Loại cây được ưa chuộng dùng làm trụ tiêu
Trước đây, khi tiêu chưa được trồng nhiều trụ cho tiêu bám leo chủ yếu là các loại cây như: muồng đen, cây mức, vồng nem, sầu đâu… tuy nhiên, do không đủ để áp ứng cho nhu cầu trồng tiêu, kèm theo một số loài cây này có tiền ẩn sâu bệnh rất dễ lây lan sang cho tiêu.
Ông Phạm Hữu Khoa (xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút) cho biết: “Tiêu vốn là dây leo nên tiêu phải sống bám vào các loại cây trồng sẵn để vươn lên, trong đó có cây muồng đen và vông nem. Nhưng những năm gần đây, do sự phá hoại của một loại ong ký sinh đã gây cho cây vông chậm phát triển, làm cây chết dần và ngã đổ, gây thiệt hại nặng cho người trồng tiêu”.
Chính vì vậy, thời gian vừa qua nông dân đã mua cây gòn để làm trụ cho tiêu leo, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Vườn tiêu của ông Trần Khanh (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil) có trụ bằng cây gòn trên 3 năm tuổi của ông lại xanh tốt hơn hẳn các loại trụ khác, chuỗi tiêu ra đều và dày, vườn tiêu thông thoáng, thẳng tắp."Trước khi đưa trụ gòn vào trồng tiêu phải chọn nhưng cây gòn cao tầm 2m, đường kính khoảng 5-6 cm, trồng thành những luống thẳng, cây cách chừng 20cm. Sau đó chăm sóc đầy đủ và tỉa cành định kỳ để tạo độ thông thoáng là vườn tiêu phát triển tốt", ông Khanh cho hay.
Cũng theo ông Khanh, trồng cây gòn làm trụ tiêu rất lợi thế, vì vốn thân cây mọc thẳng đứng, rất khó ngã đổ, lại lợi thế về chiều cao, có thể chừa phần cho tiêu leo từ 5-6 cm tùy ý để tăng năng suất (các loại cây trụ khác không thể có được). Mặt khác, việc tỉa cành, tạo dáng rất dễ dàng, hạn chế được việc tranh dinh dưỡng với cây tiêu. Trồng cây gòn làm trụ tiêu với kích thước hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m rất thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới tiêu, tạo độ thông thoáng và phòng trừ sâu bệnh tốt.
Được mùa được giá nhờ tiêu
Thời điểm này được xem là lý tưởng nhất để trồng tiêu, nhu cầu về trụ tiêu không thua kém gì cây tiêu giống. Anh Nguyễn Minh Vịnh (xã Trường Xuân, Đắk Song) vừa chọn cây gòn là trụ cho 500 gốc tiêu của gia đình cho biết: “Trước đây vườn tiêu nhà tôi dùng muồng đen làm cây trụ. Nhưng muồng đen thường bị bệnh xì mủ, dễ bị mối ăn phần gốc và rễ bám không chắc. Qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình trồng tiêu dùng cây gòn làm trụ đạt hiệu quả cao ở Xuân Lộc ( Đồng Nai) nên gia đình quyết định chọn dùng loại cây này”.
Nhận thấy nhu cầu rất lớn của bà con về cây gòn, các nhà buôn từ Long Khánh (Đồng Nai) đã vận chuyển và cung ứng tận vườn cho các hộ dân. Giá gòn khi đến tận tay người nông dân dao động từ 17 – 20 ngàn đồng/cây tùy thời điểm gòn về nhiều hay ít. Theo các chủ xe gòn thì đây là mức giá khá cao, năm nay các hộ trồng gòn vừa được mùa vừa được giá.
Anh Huỳnh Văn Đạt (Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, vừa đưa 10 chuyến xe gòn lên thị trấn Đắk Mil, đây là chuyến đợt đưa hàng lần thứ 3 lên đây chỉ trong vòng 1 tháng qua. Cây gòn được chủ xe cho vận chuyển tới tận vườn và tư vấn thêm cách trồng và chăm sóc để cây gòn phát triển tốt, không cạnh tranh chất dinh dưỡng của tiêu. “Mỗi đợt hàng lên lại bán hết trong vòng chưa đến 1 tuần. Với sức mua như hiện tại thì e rằng không đủ cây giống cung cấp cho bà con. Nhờ tiêu được giá mà cả người trồng gòn lẫn người bán trung gian như chúng tôi cũng được thơm lây” – Anh Đạt cười nói.
Ông Đỗ Văn Niêm, Phó phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil cho biết, trước khi chọn gòn làm cây trụ cho tiêu bám leo, bà con đã tìm hiểu rất kỹ và phòng cũng đã tư vấn thêm cho các chủ vườn về cách chăm sóc đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất. Các chủ buôn gòn về chủ yếu là từ Đồng Nai lên và lượng gòn bán ra lớn trong thời gian ngắn. Huyện cũng đang kiểm tra theo dõi chất lượng giống gòn đang bán trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con cẩn thận trong việc lựa chọn gòn đảm bảo chất lượng để không làm ảnh hưởng đến cây tiêu.
Đức Cường – Thúy Diễm