Cây cảnh “đểu”...!
Nếu như không sành trong việc chơi cây cảnh, người mua dễ bị “thuốc” bởi miệng lưỡi của những đối tượng chuyên bán hàng “đểu”.
Gần tết, đánh vào tâm lý những người thích chơi hoa kiểng, cây cảnh bon sai nên nhiều đối tượng bán dạo thường xuất hiện trên các con phố rao bán cây cảnh. Nếu nhìn từ bên ngoài, cây sung với dáng dấp rất đẹp với những chùm sung trĩu quả, khiến nhiều người thích thú. Thế nhưng, nếu như không sành trong việc chơi cây cảnh, người mua dễ bị “thuốc” bởi miệng lưỡi của những đối tượng chuyên bán hàng “đểu”.
Cây dỏm
Cách đây vài ngày, anh Thắng làm nghề thợ sắt trên đường Thủ Khoa Huân (TP. Phan Thiết) trở thành nạn nhân mua nhầm cây dỏm. Vào một buổi trưa khi nhìn thấy một người đàn ông chở nhiều gốc cây sung được tạo dáng đẹp với chi chít quả, đẹp mắt. Dù làm nghề cửa sắt, nhưng do nhà rộng nên năm nào anh Thắng cũng trồng và bán thêm cây cảnh trong dịp tết, kiếm thêm thu nhập. Cho nên, khi nhìn thấy người đàn ông chở cây đi ngang qua, anh Thắng gọi lại thăm dò giá cả.
Nhìn 6 gốc sung tươi tắn đầy sức sống, được bao bọc trong những lớp đất rêu xanh phủ kín, anh Thắng “chắc mẩm” cây xịn nên hỏi giá. Người đàn ông trả lời: “Tụi em bón mấy năm mới được như thế, bác thích em để 700.000 đồng/gốc. Bác yên tâm, bảo đảm tết chơi là đẹp luôn”.
Nhìn hết gốc này qua gốc khác anh Thắng vẫn thích thú với những chùm quả chi chít, tươi tắn. Anh buột miệng: “Bớt chút đỉnh đi, tui mua hết để bán lại kiếm vài đồng tiền nước”.
Người đàn ông cố kèo nài thêm: “Giá hữu nghị đấy bác, chứ trồng cực phết. Thế bác thích bao nhiêu?”. Suy nghĩ một hồi, anh Thắng lục túi tiền vợ vừa đưa để mua phân được 2,4 triệu đồng, bèn chạy qua nhà hàng xóm mượn thêm 600.000 đồng. Nhưng anh Thắng vẫn chưa quyết định...
Người đàn ông này thúc giục: “Bác mua về, chăm cho tốt vài tuần nữa đem ra bán, cả “chai” một cây đấy. Tin bọn em đi”. Vài phút đắn đó, anh Thắng “quyết”: “Tôi lấy hết 6 gốc tính chẵn 3 triệu đồng, được thì lấy”. “Thôi được rồi, em để bác làm quen sau bác ủng hộ em nhá”. Người đàn ông nhanh nhẩu đưa hết 6 gốc cây ra sau vườn nhà anh Thắng, nhận tiền rồi lên xe vọt mất.
Sáng hôm sau, dậy sớm ra tưới cây nhìn những gốc sung vẫn tươi xanh nhưng những chùm quả mơn mởn hôm qua, sau một đêm bỗng nhiên thâm đen và rụng nhiều. Anh Thắng giật mình, quăng vội vòi tưới chạy đến xem thì tá hỏa những chùm sung xum xuê thật ra chỉ được gắn vào thân cây một cách khéo léo. Đưa tay rút ra một chùm sung, anh Thắng mới phát hiện trên thân cây có nhiều lỗ khoan nhỏ, tròn khít với nhánh quả... Mất toi mấy triệu bạc vì hớ hênh, anh Thắng gọi theo số điện mà người đàn ông cho hôm qua, thì máy ò í e.
Tương tự như trường hợp của anh Thắng, chị Nguyệt (phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết) kể lại bài học kinh nghiệm. Hai tuần trước, vừa mới xây xong nhà, thấy người bán cây cảnh chạy ngang đường chị cũng muốn mua một vài chậu để trong vườn nhỏ phía trước nhà. Vốn rất thích cây sung vì dáng đẹp và những chùm quả tròn căng xanh, chín đỏ nên không ngại mua với giá 700.000 đồng. Ai dè, qua ngày hôm sau những chùm quả từ từ thâm đen rồi rụng hết. Lúc đó, chị mới biết mình bị lừa. Đến giờ, chị không dám mua bất kỳ cây gì từ những người bán dạo.
Keo dán sắt
Đối với những kỹ xảo như trên, ngay cả giới chơi cây cảnh lâu năm cũng rất khó phát hiện ra cây cảnh giả. Bởi “tay nghề” của những người làm cây cảnh giả rất tinh vi.
Anh Tư, chủ một vườn cây cảnh lâu năm ở phường Phú Tài cho biết: Lâu nay người ta cứ nghĩ việc làm cây cảnh giả không khó, chỉ cần gốc cây, ít quả và keo dán sắt 502 là làm được. Nhưng thực ra, làm cây cảnh giả rất khó. Từ cách chọn gốc đến khi ghép cành tạo rêu… Bước đầu tiên là gốc cây hay cành cây được chọn phải đẹp, nhìn vào là mê ngay. Gốc cây có đẹp thì việc tạo dáng mới dễ, mới hợp lí.
Khi đã chọn được gốc rồi thì những người làm cây cảnh giả phải khoét một lỗ hình chóp nón vào sâu trong thân cây để làm “điểm tựa” ghép cành vào. Và thường những lỗ khoan hay nằm ở vị trí khuất của thân cây, hoặc những chỗ được cho là “ghẻ” của thân cây, người mua càng khó phát hiện hơn. Cành cây cũng phải to tương xứng với gốc để khi nhìn vào khỏi bị lệch. Cành cây được vót một hình chóp nón để cho vào gốc cây.
Người làm cây cảnh giả phải vót làm sao để khi “ráp” vào cành cây và gốc khít với nhau, không tạo ra khe hở. Chất mà người ta thường dùng để giữ cho cành cây và gốc không rời ra là keo 502, bởi keo này dính chặt lại không có màu nên rất khó để nhận ra.
Anh Tư còn cho biết: Đây chỉ là những công đoạn cơ bản nhất mà bất cứ ai muốn làm cây cảnh giả phải biết. Còn ở mỗi loại cây khác nhau thì có thêm “những chiêu” khác nhau. Chẳng hạn như: Để làm một cây sung quả từ gốc đến ngọn thì phải chọn một gốc sung hay cành sung lâu năm. Vì như vậy nhìn nó mới “hợp lý” với số lượng quả có trên thân cây.
Đối với cây mai thì khó hơn một chút, phải lên rừng tìm những cây có da nhẵn như cây mai và cũng phải lựa những cành mai to tương xứng với gốc mai để tránh bị phát hiện kiểu như “mình voi, đuôi chuột”. Trong làm cây cảnh giả thì khó nhất là làm giả cây lộc vừng. Vì cây lộc vừng thường có nhiều nốt sần sùi và hoa khá nhỏ.
Để có được những cây lộc vừng như thật, người làm hoa giả phải lấy những nốt sần sùi từ một cây khác gắn vào. "Sung làm giả còn dễ nhận ra, nhưng mai làm giả thì rất khó phát hiện. Chỉ cần lên rừng, kiếm những gốc cây có thế đẹp, da nhẵn như gốc mai là có thể làm giả được".
Nhận biết hàng “đểu”
Theo kinh nghiệm, người mua chỉ cần tinh ý sẽ rất dễ nhận biết những gốc cây này là “đểu” hay thật. Những gốc mai to như cây mai của những người bán dạo, một nghệ nhân trồng mai chuyên nghiệp phải mất cả 5 - 6 năm chăm sóc. Với mỗi gốc mai thế này, người trồng mai chân chính phải bán ra từ 4 -6 triệu đồng. Hơn nữa, những gốc mai lớn, nhiều tuổi thì cành mai bao giờ cũng lớn tương đương. Cho dù có được cắt tỉa cẩn thận thì vẫn còn những nút nhô ra khỏi thân cây. Đằng này cành hoa mảnh khảnh được cắm vào những gốc cây to bự thì không bao giờ có chuyện đó.
Anh Tư nói thêm, thực ra không cần túm ngọn lay thử vẫn có thể phát hiện được mai thật hay mai giả. Cây mai thật (cây có rễ) thì bao giờ cũng có một phần rễ mọc lộ thiên trên mặt đất xung quanh gốc cây. Nếu không thấy rễ, người mua có thể dùng tay hoặc vật gì có thể xới một phần đất gần gốc cây lên xem. Nếu đúng là mai thật thì sẽ có rễ mọc lan ra xung quanh. Nếu không thấy có rễ thì người mua nên "xem xét lại".
Theo anh Long – người chơi cây cảnh lâu năm cho biết: Hiện nay có rất nhiều đối tượng bán cây cảnh dạo, đa phần là hàng “đểu”. Vậy nên, tốt nhất nếu mua những cây có giá trị lớn cần phải tham khảo, tư vấn trước thậm chí nhờ những người am hiểu giúp đỡ. Đặc biệt, trong những dịp lễ tết đối tượng lừa đảo dễ dàng đánh vào tâm lý thích mua sắm, trang hoàng nhà cửa, để móc hầu bao của người tiêu dùng, nên thận trọng.
Theo Quang Nhân - Nguyễn Luân
Bình Thuận Online