Câu chuyện dầu khí ở Venezuela

(Dân trí) - Có lẽ chỉ đến thời nhà lãnh đạo cánh tả Hugo Chavez lên nắm chính quyền thì cái tên Venezuela hay Caracas mới trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam, mối quan hệ giữa hai quốc gia mới bước vào giai đoạn nồng ấm.

Là một đất nước Mỹ Latinh yêu chuộng hòa bình và tự do, Venezuela có một lịch sử đấu tranh hào hùng. Cùng với Cuba, Chile và một số đảng cánh tả ở các quốc gia trong châu lục, các thế hệ lãnh đạo Venezuela luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam cùng hai cuộc kháng chiến thần thánh là một biểu tượng cho sự dũng cảm và chiến thắng.

Câu chuyện dầu khí ở Venezuela - 1

Người lao động tại Dự án Junin 2 - Venezuela

Ngày 1-8-2006, Tổng thống Hugo Chavez đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam, gặp gỡ, hội đàm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Biết Venezuela là một cường quốc về năng lượng, hai bên đặt vấn đề hợp tác đầu tư. Cũng trong năm 2006, hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ.

Một năm sau, ngày 1-6-2007, tại Caracas, hai nước đã ký kết Thỏa thuận nghiên cứu chung về dầu khí Lô Junin 2 trên đất liền (onshore) thuộc vành đai Orinoco. Hành động này là minh chứng cho lời khẳng định của Venezuela “đoàn kết ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam” và cũng thể hiện lòng hào hiệp của Tổng thống Hugo Chavez đối với Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều nước lớn muốn tham gia vào dự án tiềm năng bậc nhất này.

Đây là giai đoạn quan hệ bang giao giữa hai nước có bước phát triển vượt bậc. Vấn đề hợp tác năng lượng (dầu khí) luôn được đặt ra và Việt Nam kỳ vọng sẽ có được nguồn bổ sung từ nước ngoài để bù đắp cho sự suy giảm sản lượng trong nước vì mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Quan điểm này là bản lề cho các quyết định đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giai đoạn 2007-2012.

Với sự ủng hộ từ các lãnh đạo cấp cao của hai nước cùng sự nỗ lực triển khai Thỏa thuận nghiên cứu chung và đàm phán ký hợp đồng, ngày 29-6-2010, Petrovietnam ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) ký với CVP S.A. (công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela - PDVSA) thành lập Công ty Liên doanh Petromacareo với phần tham gia của PVEP là 40%.

Thời điểm đó, các thủ tục nội bộ phía Việt Nam để cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (GCNĐTRNN) vẫn chưa hoàn tất. Để bảo đảm tiến độ dự án, các bên phải song song triển khai các công việc bên cạnh việc hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư phía Việt Nam. Sau khi ký hợp tác liên doanh giữa PVEP và PDVSA, dự án này đã được Quốc hội Venezuela thông qua. Thậm chí Quốc hội Venezuela quyết định, nếu dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế cao thì bất luận lý do gì, Quốc hội cũng sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam.

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, GCNĐTRNN đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc ký ngày 29-10-2010 với tổng mức đầu tư 1,825 tỉ USD, trong đó đã bao gồm 584 triệu USD tiền mua quyền tham gia dự án dầu khí (hoa hồng chữ ký - signature bonus).

Hoa hồng chữ ký là một khoản tiền nộp cho nước chủ nhà theo thông lệ quốc tế. Tại dự án này, hoa hồng chữ ký tính theo cơ sở 1 USD/thùng dầu so giá dầu thời điểm ký hợp đồng là 140 USD/thùng là tương đối hợp lý. Petrovietnam sẽ được phép phân bổ dần chi phí mua quyền tham gia dự án dầu khí trong thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày thực hiện chi trả các chi phí này theo kết quả đánh giá suy giảm giá trị mỏ (trữ lượng dầu khí có thể thu hồi và giá dầu) tại thời điểm cuối mỗi năm. Phần chi phí được phép phân bổ này được hạch toán vào chi phí của Petrovietnam tại dự án.

Như vậy có thể thấy, quá trình triển khai nghiên cứu dự án và ký thành lập liên doanh triển khai Dự án Junin 2 hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, dù trong từng bước đi cụ thể luôn phải đối mặt với tình trạng “con gà và quả trứng” nên phải đặt mục tiêu tiến độ lên hàng đầu để chủ động trong một dự án được đánh giá là “điển hình cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước”.

Thực tế đã chứng minh, phía Việt Nam (PVEP) đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình khi tham gia liên doanh, phía Venezuela cũng hợp tác tốt dù thị trường dịch vụ nhiều khó khăn, những rủi ro chưa được nhận diện. Đến ngày 26-9-2012, dự án đã có dòng dầu khai thác thương mại đầu tiên tại giếng khoan PM-24 trên nền khoan cụm đầu giếng C-102.

Vào thời điểm đó, hầu như không ai nghĩ đến một tương lai không lành của dự án. Một dự án liên doanh trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng sẽ chẳng thể suy chuyển trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ở một quốc gia Mỹ Latinh, khi dòng máu thổ dân luôn bừng cháy trong huyết quản và sự sôi nổi thường trực trong đầu óc thì vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định. Lịch sử nơi đây đã có những minh chứng thuyết phục như hình tượng Phidel Castro, Che Guevara... Hugo Chavez cũng không phải ngoại lệ. Trong không khí lạc quan ấy, rất không may, Tổng thống Hugo Chavez bất ngờ lâm trọng bệnh. Sự bất ổn trong nước Venezuela tăng lên tỷ lệ nghịch với suy giảm sức khỏe của ông. Chỉ trong vòng 6 tháng, ông suy kiệt nhanh chóng và cả thế giới bắt đầu nhìn vào biểu đồ sức khỏe của ông hằng ngày trong khi bàn tán về người kế nhiệm. Cuối cùng, cái gì đến đã đến. Ngày 5-3-2013, Hugo Chavez từ biệt thế giới này, trong đó có cả những người bạn Việt Nam. Ông không nghĩ sẽ ra đi, thậm chí trước cả thần tượng huyền thoại sống Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà năm 2006 ông đã đến thăm, tặng Đại tướng một thanh gươm của anh hùng Bolivar và chúc Đại tướng trường thọ.

Câu chuyện dầu khí ở Venezuela - 2

Giàn khoan PDV 39 tại mỏ Junin 2 - Venezuela

Mọi thứ diễn ra sau đó ở Venezuela thật ngoài sức tưởng tượng. Chính phủ mới của Tổng thống Maduro rất khó khăn để duy trì sự ổn định trong bối cảnh mất an ninh và sức ép của các đảng đối lập. Lạm phát phi mã, chênh lệch tỉ giá hàng chục lần giữa ngân hàng nhà nước và thị trường chợ đen, dịch vụ nội địa thiếu thốn và yếu kém, chính trị bất ổn... Hàng loạt vấn đề đã ảnh hưởng đến Dự án Junin 2. Đó là một thời điểm vô cùng nhạy cảm.

Sau nhiều nghiên cứu, cân nhắc lợi hại toàn diện dự án, Petrovietnam đã thống nhất xem xét việc tạm dừng dự án, trước mắt đề nghị Chính phủ Venezuela cho tạm hoãn việc thanh toán tiền hoa hồng chữ ký lần 3 được chốt thời hạn vào 12-5-2013 (đã nộp 2 lần vào năm 2010 và 2011, tổng cộng 442 triệu USD, còn 142 triệu USD).

Tháng 4-2013, Petrovietnam tuyên bố tạm dừng dự án vì điều kiện chính trị liên quan. Petrovietnam gửi thư cho PDVSA, đồng thời báo cáo Chính phủ Việt Nam xem xét, phê duyệt. Đến ngày 2-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Petrovietnam tạm dừng dự án.

Từ đó đến nay, Venezuela ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Liên doanh Petromacareo chỉ tập trung làm các công việc nghiên cứu và xem xét chuyển nhượng phần góp của PVEP (farm-out).

Thực tế, thị trường dầu mỏ rất khốc liệt. Rủi ro trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thường rất lớn, trong đó kể cả rủi ro về địa chính trị. Không ai có thể dự đoán trước 10 năm những biến động của ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Cũng không ai tính được giá dầu chỉ sau 3-4 năm lại từ 140 USD/thùng rớt xuống dưới 30 USD/thùng.

Hành động dừng dự án của Petrovietnam có thể nói là kịp thời và chính xác, giúp cho ngân sách Nhà nước giảm thiệt hại 142 triệu USD. Dự án phải dừng vì lý do bất khả kháng (force majeure), một điều khoản trong bất kỳ một hợp đồng kinh tế nào để giải phóng các bên khỏi tình trạng pháp lý liên quan.

Theo: PVN