Cắt điện luân phiên sắp quay trở lại miền Bắc?
(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài trên 38 độ C, phụ tải vượt 23.000 MW, thủy văn diễn biến không thuận lợi… là những yếu tố có thể khiến cắt điện luân phiên quay trở lại trong tháng 7 này.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết từ nay đến 20/7, hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khu vực Bắc Bộ đang phải đối mặt với hiện tượng nắng nóng tăng cường, dự kiến kéo dài đến 12/7, trong đó cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 8/7, với nhiệt độ cao nhất lên tới 39 đến 40 độ C.
Dự kiến khoảng thời gian nắng nóng đến 12/7, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh ngày (cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW). Sản lượng tiêu thụ điện tăng nhanh trở lại đang gây sức ép cho hệ thống.
Điển hình ngày 30/6, sản lượng tiêu thụ lớn nhất của hệ thống đạt 854,6 triệu kWh (cao hơn ngày 29/6 là 21,6 triệu kWh, cao hơn ngày 28/6 là 46,1 triệu kWh), công suất đỉnh là 41.823 MW lúc 14h30; khu vực miền Bắc là 432,8 triệu kWh, công suất đỉnh là 20.751 MW lúc 22h30.
"Nhìn vào biến động của sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất và công suất đỉnh trong mấy ngày qua, có thể thấy rõ tác động của nhiệt độ đến lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc. Với lượng điện tiêu thụ tăng thêm 42,3 triệu kWh của ngày 30/6 đã vượt qua toàn bộ công suất có thể truyền tải của đường dây 500kV Trung Nam", A0 đánh giá.
Trong khi đó, tính đến 0h ngày 30/6, sản lượng tích trong các hồ thủy điện miền Bắc là 2,065 tỷ kWh.
Trong các ngày tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ tăng cường khai thác hồ Lai Châu để nâng mực nước hồ Sơn La nhằm tăng công suất khả dụng; khai thác hồ Tuyên Quang để hỗ trợ lưới điện khu vực; hồ Hòa Bình vận hành để đáp ứng phụ tải miền Bắc trong đợt nắng nóng sắp tới cũng như duy trì mực nước các hồ trong phạm vi an toàn để đón lũ chính vụ.
Theo EVN, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, tình hình cung cấp điện sẽ được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu phụ tải quốc gia và khu vực miền Bắc.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với những tình huống cực đoan, bất lợi như nắng nóng kéo dài trên 38 độ C, phụ tải vượt 23.000 MW, thủy văn diễn biến không thuận lợi… cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện.
Cuối tháng 6, EVN đã yêu cầu các đơn vị phát điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết nhằm khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy, lò hơi đang bị sự cố tại Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2; khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, nhiệt độ nước làm mát.
Các đơn vị cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị tại nhà máy để xử lý kịp thời nếu sự cố xảy ra nhằm khôi phục vận hành tổ máy trong thời gian sớm nhất; thực hiện duy tu bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ khả dụng các tổ máy trong thời gian còn lại năm 2023 theo kế hoạch đã được duyệt.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đạt 21,3 triệu tấn (trong đó 5 tháng đạt 17,3 triệu tấn và dự kiến tháng 6 đạt 4 triệu tấn) tương đương 105,2% tiến độ hợp đồng và tăng 3,08 triệu tấn (bằng 116,9%) so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến, nhu cầu than cấp cho điện tăng cao đến hết tháng 7 rồi sau đó sẽ giảm trong những tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11.
Theo tính toán, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện 6 tháng cuối năm khoảng 19 triệu tấn. Như vậy, than cấp cho điện năm 2023 dự kiến khoảng 40,3 triệu tấn, tương ứng đạt 105% khối lượng hợp đồng năm và bằng 115% so với năm 2022.