Càphê Việt Nam: Tụt hạng do làm ăn manh mún
Hiện VN là nước sản xuất càphê robusta hàng đầu thế giới, (đứng thứ hai sau Brazil). Chất lượng càphê VN từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã được các chuyên gia Pháp, Hà Lan đánh giá rất cao. Thế nhưng gần đây, chất lượng này lại thấp và ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả kinh tế.
Nhiều “chuyện buồn”...
Dù là nước xuất khẩu càphê đứng thứ hai thế giới về sản lượng, nhưng kim ngạch thu được của VN lại rớt xuống vị trí thứ năm. Guatemala xuất khẩu mỗi năm chỉ hơn 300.000 tấn, nhưng thu hơn 800 triệu USD. Còn ta xuất khẩu trên 700.000 tấn, nhưng kim ngạch cũng chỉ đạt gần 800 triệu USD.
Điều này cho thấy càphê của chúng ta phải bán giá thấp so với nhiều nước khác. Đây chính là điều “đau lòng” nhất của những người tâm huyết với ngành càphê VN. Chúng ta biết nguyên nhân, nhưng mấy chục năm không khắc phục được.
Ai cũng thấy: Hơn 80% sản lượng càphê của VN do các hộ cá thể sản xuất. Đây là đối tượng sản xuất hoàn toàn tự do, chẳng có ai quản lý về quy trình sản xuất, thu hái chế biến. Và vì thế mỗi hộ tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, sở thích mà có cách làm khác nhau.
Đa số các hộ dân vào mùa thu hái đều có chung suy nghĩ “xanh nhà hơn già đồng”, vì thế họ tuốt cả cành lúc quả còn xanh. Hái xanh, tuốt cả cành, có lợi về công thu hái, đỡ bị mất cắp, nhưng sẽ làm giảm sản lượng (khoảng 10%) và giảm chất lượng (hương vị càphê sẽ không bảo đảm đúng như bản chất vốn có của nó).
Việc phơi phóng sau khi thu hái cũng mỗi hộ mỗi cách, tuỳ theo điều kiện. Có nơi được phơi trên sân ximăng khá sạch sẽ, có nơi phải đổ trên sân đất, gặp năm thời tiết mưa nhiều thì hạt càphê lẫn trong bùn đất. Nên khi thử nếm càphê có mùi đất và cả mùi nấm mốc là điều dễ hiểu.
Trong chế biến, các hộ cá thể chỉ biết làm theo cách cổ truyền: Phơi khô, xát vỏ, nên màu sắc không đẹp, nhiều hạt bị giập vỡ. Cũng vì vậy mà chất lượng càphê VN không cao, không đồng đều.
Đây là điều đã được nói tới từ hàng chục năm nay, nhưng không thay đổi được. Quả thực, việc tuyên truyền, vận động để thay đổi những điều đã ăn sâu trong tiềm thức của người sản xuất thật là khó; càng khó hơn khi người sản xuất là các hộ cá thể hoàn toàn độc lập trong tổ chức sản xuất.
Ông Đoàn Triệu Nhạn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê - cacao VN (Vicofa) cho rằng: Để kéo dài tình trạng trên có cả lỗi của các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê. “Vì sản xuất như vậy vẫn có người mua, nên tôi cứ vậy mà làm. Nếu không có người mua tất yếu tôi phải thay đổi cách làm, phải nâng cao chất lượng...”.
Cần thay đổi tập quán sản xuất
Ông Đoàn Triệu Nhạn cũng cho rằng: Để thay đổi được tập quán sản xuất hiện nay của các hộ sản xuất càphê cá thể thì không có cách nào tốt hơn là phải tập hợp họ lại trong các tổ chức, có thể là các hợp tác xã, hoặc các câu lạc bộ...
Chỉ có đưa họ vào tổ chức thì mới có điều kiện để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, mới tập hợp được sức mạnh về lao động, vốn liếng, từ đó mới có thể thực hiện được các quy trình về nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong sản xuất càphê (như chế biến ướt, phơi sấy bằng máy...).
Một số lãnh đạo của các tỉnh Tây Nguyên - khu vực sản xuất càphê nhiều nhất nước ta hiện nay - cũng cho rằng: Ngoài việc phải tổ chức lại sản xuất cho các hộ sản xuất càphê cá thể thì một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, là các DN thu mua càphê xuất khẩu phải xây dựng và thống nhất được bộ tiêu chuẩn khi thu mua, kiên quyết không thua mua loại càphê không đạt tiêu chuẩn (dù giá rẻ).
Có như vậy, hạt càphê VN khi xuất khẩu ra nước ngoài mới có chất lượng cao, ngành càphê VN mới khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.
Theo Đặng Bá Tiến
Báo Lao động