Cập nhật mới nhất vụ hàng nghìn xe nông sản ùn ở cửa khẩu

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn, từ nay đến Tết Nguyên đán khó giải phóng được hết lượng hàng hóa này với năng lực thông quan như hiện nay.

Cập nhật mới nhất vụ hàng nghìn xe nông sản ùn ở cửa khẩu - 1

Bức ảnh nông sản hỏng vì vật vã ở cửa khẩu được chia sẻ trên mạng (Ảnh: FB ĐNQ).

Trao đổi với Dân trí sáng nay (28/12), lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng 28/12, lượng xe ùn ứ tiếp tục giảm ở cửa khẩu trên địa bàn nhưng vẫn còn khoảng 4.000 xe. 

Tuy nhiên, theo vị này, lượng xe giảm chủ yếu vẫn do các xe quay đầu chở hàng về nội địa tiêu thụ, gỡ lại phần nào chi phí.

Vị này nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán cũng khó có thể giải phóng được hết lượng hàng hóa này với năng lực thông quan như hiện nay. Vì từ nay đến khi nghỉ Tết Nguyên đán cũng chỉ còn khoảng hơn 15 ngày làm việc nữa.

Do vậy, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ xe hàng cân đối lưu lượng hàng hóa chở lên, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tìm các kênh thay thế bù đắp phần nào chi phí. Về giải pháp căn cơ, vị này cho biết phía cơ quan có thẩm quyền vẫn đang tiếp tục đàm phán với nước bạn để giải quyết tình trạng này.

Trong khi đó, phía cơ quan hải quan Lạng Sơn cũng đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu để chuyển phương thức giao nhận sang bằng đường sắt. Đường sắt rất thuận lợi trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện Zero Covid hiện nay vì không liên quan đến người. Cả đoàn tàu chỉ có tổ vận hành.

Lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cũng cho rằng, phương án đẩy mạnh chở hàng bằng đường sắt là rất hợp lý cho chúng ta trong bối cảnh này. Tuy nhiên, phương thức này cũng cần sự hợp tác từ phía bạn. Chi phí cho vận tải đường sắt cao hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh này, việc thông quan được hàng hóa là rất quan trọng.

Thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc dự kiến tiếp tục quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Năm nay lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.

Do vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để cách ly về quê đón Tết.

"Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây", ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Dẫn thông tin từ nhóm doanh nghiệp vận tải xuyên biên giới, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, hiện 6 cửa khẩu còn cho thông quan hàng hóa bao gồm: Quảng Ninh - 1 (Hoàng Mô); Lạng Sơn - 2 (Hữu Nghị, Đồng Đăng); Cao Bằng - 2 (Tà Lùng, Trà Lĩnh); Lào Cai - 1 (Kim Thành); Hà Giang và Lai Châu - đóng toàn bộ.

Năng lực thông quan của các cửa khẩu cũng giảm đáng kể, như tại Hữu Nghị đã giảm 4,5 lần so với bình thường, chỉ còn khoảng 100 xe/ngày. Trong khi tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ thời điểm ngày 21/12, do Đông Hưng của Trung Quốc tạm thời đóng cửa, xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố nên năng lực thông quan cũng gần như bằng không.

"Theo tin báo khẩn từ doanh nghiệp sáng ngày 23/12, tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, phía Trung Quốc tiếp tục gia tăng các biện pháp thắt chặt dịch bệnh. Cụ thể, theo yêu cầu của Ban phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quốc vụ viện Trung Quốc, từ 24/12, lái xe Việt Nam (và các lái xe nước ngoài nói chung) đều không được phép vào biên giới Trung Quốc. Điều này dẫn tới số lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị có khả năng giảm mạnh hơn", đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết.

Cũng theo cơ quan này, việc Trung Quốc không cho tài xế Việt Nam và tài xế nước ngoài nói chung nhập cảnh vào Trung Quốc, sẽ dẫn tới việc thay đổi quy trình đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như sau:

Bước 1: Lái xe Việt Nam đánh xe hàng xuất khẩu Việt Nam theo đường hàng hóa tới bãi chờ giữa biên giới hai nước, đỗ xe tại bãi và xuống xe về nước.

Bước 2: Công ty khử khuẩn được phía Trung Quốc chỉ định sẽ tới xe tiến hành phun khử trùng cabin và lấy mẫu xét nghiệm.

Bước 3: Sau khi phun khử trùng xong, tài đệm Trung Quốc sẽ đánh xe vào bàn cân để tiến hành các bước kế tiếp.

Quy trình này tương đối khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiến hành giao hàng, khai báo và thực hiện các thủ tục với phía bạn.