“Cấp cứu” nền kinh tế: Chỉ kích cầu là không đủ...
(Dân trí) - Khi quyết định miễn, giảm, giãn nộp thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp, Chính phủ kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để người dân có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại...
Trao đổi cùng Dân trí, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam đã có những phân tích khá cặn kẽ và thấu đáo về vấn đề này.
“Phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng rất khác”
Có vẻ như các chính sách khá cởi mở về thuế của Chính phủ đang vấp phải phản ứng của khá nhiều đại biểu QH cũng như các chuyên gia kinh tế. Quan điểm của ông là thế nào trước quyết định này?
TS. Vũ Thành Tự Anh. |
Chẳng hạn như để kích thích tiêu dùng, Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009. Các nhà làm chính sách cho rằng giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá bán, nhờ đó tăng cầu cho sản phẩm; còn hoãn thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng, nhờ đó tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Về mặt lý thuyết, đây là những kỳ vọng hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa thấy giá giảm và chưa thấy có những dấu hiệu tăng trưởng rõ nét trong tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc miễn thuế thu nhập cho những người có thu nhập cao không những không kích thích được cầu nội địa mà còn góp phần kích thích nhập khẩu do tỷ trọng tiêu dùng hàng nhập khẩu của đối tượng này thường rất cao.
Nói một cách khái quát, những chính sách kích cầu hiện nay chưa thực sự hiệu quả vì phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể rất khác so với tính toán của các nhà làm chính sách.
Ngoài mặt chưa thực sự hiệu quả về kích cầu thì việc miễn giảm này có lẽ còn dẫn đến mối lo ngại về thu ngân sách vì ai cũng biết thuế là nguồn ngân sách chủ yếu của Nhà nước?
Về mặt tài khóa, trong khi nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ giảm mạnh do suy giảm kinh tế và các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thì nhu cầu chi ngân sách lại tăng vọt do phải triển khai các gói kích cầu với quy mô lớn. Điều này làm cho tình hình ngân sách đã khó càng trở nên khó khăn hơn.
Dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2009 có thể sẽ rất cao, từ 8 - 10% (theo IMF và ADB). Trong khi khả năng phục hồi của nền kinh tế nội địa phụ thuộc vào đầu tư khu vực Nhà nước thì ngân sách lại đang thâm hụt nặng, vì vậy rất khó huy động được nguồn tài trợ cho các dự án đầu tư hay chi tiêu công.
Thay đổi cơ cấu kinh tế của đất nước là điều hết sức cần thiết (ảnh minh hoạ).
Tái cấu trúc nền kinh tế: Cấp thiết!
Nhưng việc sử dụng các giải pháp như hoãn thuế thu nhập cá nhân, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, Chính phủ muốn đó là những giải pháp kích cầu vì đã có một số ý kiến nhận định gói kích cầu đang thiên về kích cung. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Đúng là một số biện pháp trong gói kích thích của Chính phủ thiên về kích cung. Tuy nhiên không thể nói là cả gói kích thích chủ yếu nghiêng về kích cung vì trong gói này có những biện pháp kích thích tiêu dùng (hoãn thuế thu nhập cá nhân), kích thích đầu tư của doanh nghiệp và tăng chi tiêu của Chính phủ.
Dư luận không hài lòng có lẽ vì một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, mặc dù Chính phủ tuyên bố hai gói kích cầu với quy mô rất lớn nhưng hình thù cụ thể của các bộ phận cấu thành chưa rõ ràng khiến nhiều người bán tín bán nghi.
Thứ hai, nhiều đối tượng nằm trong diện thụ hưởng chính sách nhưng lại chưa tiếp cận được với nguồn tiền kích cầu, có thể là do việc truyền đạt chính sách chưa hiệu quả hay do thủ tục hành chính phức tạp, phiền nhiễu.
Thứ ba, như tôi đã nói, hiệu quả kích cầu của những chính sách hiện nay chưa rõ rệt, đặc biệt là chưa kích thích được nhu cầu thị trường và khi ấy thì dù có kích thích như thế nào đi chăng nữa cũng không giúp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế vì không có cầu thì doanh nghiệp càng sản xuất càng chỉ càng lỗ vốn mà thôi.
Tức là theo ông, để cứu nền kinh tế thì chỉ kích cầu là không thể đủ?
Theo tôi, bên cạnh những biện pháp ngắn hạn có tính “cấp cứu” như kích cầu thì đây cũng chính là lúc Chính phủ cần sáng suốt và kiên quyết khắc phục những yếu kém nội tại, thực hiện những cải cách có tính cơ cấu tuy rất khó khăn nhưng hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
Qua những khó khăn của năm 2008 và cho đến bây giờ Chính phủ đã nhận ra nhu cầu phải thay đổi về mặt cơ cấu kinh tế của đất nước.
Đó là điều hết sức cần thiết vì chính những tồn tại có tính cơ cấu của nền kinh tế đã đưa chúng ta đến những bất ổn vĩ mô trong năm 2008 và cũng chính những yếu kém cơ cấu này đã làm nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn trước khủng hoảng kinh tế bên ngoài.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Đoàn Trần (thực hiện)