Cao tốc Bắc-Nam: Lo doanh nghiệp trong nước tay không bắt giặc?
Nỗi lo của nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay chính là vốn để thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam.
Thông tin Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư là tin vui đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đi kèm niềm vui này là nỗi lo về vốn. Chia sẻ trên báo chí, không ít doanh nghiệp lo ngại ngân hàng không cho vay vốn khi tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam, bởi các ngân hàng trong nước thường ưu tiên cho vay thương mại, bất động sản và siết chặt cho vay các dự án hạ tầng giao thông, trong khi tính toán lưu lượng xe trên cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT bị đánh giá là có phần hơi lạc quan.
Hoan nghênh chủ trương huy động nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, chính chia sẻ nỗi lo không vay được vốn ngân hàng làm cao tốc Bắc-Nam đã cho thấy rõ nguy cơ doanh nghiệp trong nước đang ở trong tình thế "tay không bắt giặc", khó có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn khác.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp trong nước mạnh về tài chính, đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng về việc chủ đầu tư phải có 30% tổng vốn dự án trở lên thì ngân hàng sẽ cho vay. Ngược lại, doanh nghiệp không có gì trong tay thì ngân hàng đương nhiên không muốn cho vay vốn.
"Như vậy, xét về yêu cầu của hình thức đối tác công - tư, cụ thể là hợp đồng BOT, đã không đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp nhận đầu tư dự án mà không có gì trong tay thì rất vô lý .
Trước đây, nhiều ngân hàng hào hứng với các dự án BOT vì chủ đầu tư tính khống lưu lượng phương tiện qua lại khiến ngân hàng nghĩ triển vọng thu hồi vốn tốt, lãi nhiều. Bản thân ngân hàng lại chỉ dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án. Nhưng bây giờ đã khác, nhiều dự án BOT thua lỗ, vỡ phương án tài chính khiến ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay.
Hơn nữa, vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, cho vay thời gian ngắn mà vẫn có lãi, ngân hàng lợi hơn. Bài toán lợi ích ấy bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng nắm rất rõ.
Nếu nhà đầu tư minh bạch về khả năng thu hồi vốn của dự án, ngân hàng sẽ đưa lên bàn cân để tính toán quyền lợi của họ. Nếu thấy cho vay mà vẫn đảm bảo an toàn vốn, có lãi thì ngân hàng sẽ cho vay", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.
Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, nhiều ý kiến trước đó cho rằng, các dự án thành phần chưa thực sự hấp dẫn bởi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó quốc lộ 1 sắp hết thời gian thu phí, các tuyến khác được miễn phí nên cao tốc Bắc Nam có thể vắng xe, đặc biệt là xe tải, container. Bộ GTVT lại có phần lạc quan khi tính toán lưu lượng xe trên cao tốc Bắc - Nam.
Do đó, cách khả thi nhất để giải quyết bài toán về vốn khi xây dựng cao tốc Bắc-Nam, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám là liên doanh, liên kết giữa nhiều nhà đầu tư nhỏ dựa trên nguyên tắc rành mạch, rõ ràng và sòng phẳng.
"Trước kia nhiều doanh nghiệp trúng thầu rồi đi bán thầu để hưởng chênh lệch. Dự án qua nhiều tầng nấc thực hiện, cuối cùng dự án xảy ra vấn đề không có người chịu trách nhiệm.
Đã đầu tư thì phải làm thực sự. Khi các nhà đầu tư nhỏ liên doanh, liên kết lại thì sẽ có đủ khả năng về vốn, lực lượng để thực hiện dự án", ông nói.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh quan điểm, Bộ GTVT không nên hạ thấp tiêu chí về năng lực, yêu cầu kỹ thuật đối với doanh nghiệp trong nước. Tiêu chí về chất lượng, tiến độ là bất di bất dịch, nếu bỏ tiêu chí này đi, coi như dự án không đạt được mục tiêu Đồng thời, đặt ra những yêu cầu này cũng chính là cách để doanh nghiệp trong nước phải thực sự lớn lên, có năng lực thực sự.
"Quyền là ở Bộ GTVT, Bộ có thể tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước ở quy định về số nhà lượng nhà đầu tư liên doanh, liên kết nhằm giúp doanh nghiệp trong nước có vốn thực hiện dự án, song riêng tiêu chí về tiến độ, chất lượng dự án thì không thể thay đổi", PGS.TS Nguyễn Đình Thám lưu ý.
Về ý kiến lo ngại nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư cao tốc Bắc - Nam sẽ "đi đêm" với doanh nghiệp nước ngoài và bị chi phối, vị chuyên gia cho biết, pháp luật về quản lý xây dựng đã quy định rất rõ, nhà thầu chính có quyền liên kết các nhà đầu phụ, nhà thầu phụ phải có hồ sơ trình cơ quan quản lý để cơ quan quản lý biết đơn vị liên doanh là ai, có đủ tư cách tham gia hay không.
Hơn nữa, pháp luật về quản lý kinh tế Việt Nam đều đã có khá đầy đủ, vấn đề là phải làm minh bạch, tuân thủ nghiêm túc thì không sợ chuyện "đi đêm".
Theo Thành Luân
Đất Việt