Quảng Trị:

Cao su bị ảnh hưởng nặng sau bão, cần giải pháp quy hoạch hợp lý cây “vàng trắng”!

(Dân trí) - Sau mỗi đợt thiên tai, người dân trồng cao su tại tỉnh Quảng Trị gánh chịu ảnh hưởng nề do nhiều diện tích bị gãy đổ, thiệt hại lớn về kinh tế. Vấn đề đặt ra là việc quy hoạch cây cao su như thế nào, phát triển ra sao để vừa phát huy hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho bà con?

Trắng tay vì “vàng trắng”!

Đối với người dân, cao su được xem là cây chủ lực, mang lại lợi nhuận cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo và làm giàu. Trung bình mỗi ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch, mỗi ngày thu từ 500.000- 700.000 đồng.

Với những lợi ích từ cây cao su, được ví là “vàng trắng” trong việc thay đổi cuộc sống người dân, do vậy người dân vẫn rất mặn mà với việc phát triển cây cao su. Cũng chính vì thế, việc người dân ồ ạt trồng cao su tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, đặc biệt trồng tại vùng ven biển, không theo quy hoạch.

Cây cao su đang thời kỳ lấy nhựa bị gãy ngang
Cây cao su đang thời kỳ lấy nhựa bị gãy ngang

Tuy nhiên, người trồng loại cây này cũng đối diện với nhiều rủi ro, bởi những lần thiên tai: mưa bão, lốc xoáy… xảy ra, hàng ngàn ha cao su bị gãy đổ, hư hại; đồng nghĩa với hàng trăm hộ gia đình trồng cao su lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Gần đây nhất, ảnh hưởng của cơn bão số 10, khiến người trồng cao su tại tỉnh này hứng chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, nhiều diện tích cao su của người dân các xã phía Đông của huyện Vĩnh Linh bị tan nát, hư hại.

Theo thống kê cho thấy, có khoảng 2.800 ha cao su bị ảnh hưởng, thiệt hại, tập trung chủ yếu tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Với người nông dân, đây là thiệt hại không hề nhỏ, khi phần lớn diện tích bị hư hại đều thuộc nhóm đang khai thác. Sau bão, người dân đang bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả. Những cây bị đổ được bà con chống lại, còn những cây bị gãy được cưa hoặc chặt bỏ.

Cao su là loại cây dễ gãy, khi được đưa về trồng ở vùng phía Đông huyện Vĩnh Linh thì mức độ rủi ro càng cao
Cao su là loại cây dễ gãy, khi được đưa về trồng ở vùng phía Đông huyện Vĩnh Linh thì mức độ rủi ro càng cao

Huyện Vĩnh Linh là địa phương có diện tích cây cao su nhiều nhất tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nhất sau cơn bão số 10. Ông Nguyễn Đức Đồng (ở xã Vĩnh Thạch) cho biết: “Ảnh hưởng của cơn bão vừa qua đã gây ra thiệt hại lớn, diện tích cao su, hồ tiêu, bị gãy đổ khoảng 80%. Đặc biệt, số cây cao su đang cho lấy nhựa khoảng 2 năm bị gãy, hư hại”.

Nan giải “bài toán” quy hoạch cây cao su?

Hơn nửa thế kỷ trước, tỉnh Quảng Trị chỉ có khoảng 300 ha cao su trồng thử ở Nông trường Quyết Thắng (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh). Đến nay, sau gần 60 năm, diện tích trồng cao su đã lên đến gần 20.000 ha.

Cây cao su đối với người nông dân Quảng Trị thực sự trở thành “cứu cánh” giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu trên quê hương và có điều kiện nuôi con cái đi học. Vì có thời gian khai thác lâu, dài ngày đồng thời giá trị kinh tế lớn nên người dân tự phát trồng cao su ngày càng nhiều.

Cây cao su được xem là cứu cánh giúp bà con thoát nghèo nên việc chuyển đổi sang cây mới chưa thực sự hiệu quả
Cây cao su được xem là "cứu cánh" giúp bà con thoát nghèo nên việc chuyển đổi sang cây mới chưa thực sự hiệu quả

Sau trận bão lịch sử năm 2013, trước hàng ngàn ha cao su bị hư hại nên các bộ, ban, ngành, các chuyên gia đầu ngành cũng đã tổ chức các hội thảo bàn về việc phát triển cây cao su ở Quảng Trị. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt cây cao su, đặc biệt ở vùng ven biển hoặc khi trồng phải giữ đúng khoảng cách, nên trồng xen canh và trồng vành đai hệ thống cây chắn gió.

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh cho hay, cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân đua nhau trồng tràn lan, không theo quy hoạch. Vùng ven biển là nơi được khuyến cáo có nhiều rủi ro khi trồng cây cao su nhưng người dân vẫn trồng.

Những cây bị gãy ngang sẽ không còn khả năng phục hồi
Những cây bị gãy ngang sẽ không còn khả năng phục hồi

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 23.000 ha cao su. Ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc trồng cao su tự phát trước đây và bây giờ khiến cho việc quy hoạch rất khó khăn.

“Bão thường đi vào vùng Vĩnh Linh, nếu nó quét qua thôi thì cao su rất dễ gãy. Hơn nữa, hệ thống vành đai chưa tốt, nhân dân tận dụng đất tối đa quá nên không trồng vành đai. Sau này ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo, phía Đông không phát triển cao su, mà lên phía Tây vùng Hướng Hóa, Đakrông, vùng Tây Vĩnh Linh vì thông thường bão vào đất liền lên đến miền Tây thì gió giảm, ở đó vành đai tốt hơn và bão suy yếu nhiều hơn”, ông Chính nhấn mạnh.

Trong khi việc thay thế cây cao su bằng các loại cây trồng khác chưa được khả quan, “bài toán” quy hoạch cây cao su đang khiến ngành Nông nghiệp địa phương “đau đầu”.

Đăng Đức