1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cạnh tranh bằng nhượng quyền thương mại

Theo dự đoán của các chuyên gia thương mại, sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ, ngành hàng thức ăn nhanh và siêu thị sẽ xâm nhập thị trường VN một cách ồ ạt. Để chống đỡ, theo các chuyên gia, chỉ có cách nhượng quyền thương mại...

Đây cũng là nội dung chính buổi hội thảo về vấn đề này do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 13/12 tại TPHCM.

Một cách tập trung sức mạnh

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc ITPC, ngành công nghiệp bán lẻ của VN chiếm tỉ trọng rất cao trong GDP. Điều đó cho thấy, thị trường bán lẻ VN vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí một số mặt hàng đã và đang có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá cũng được các nhà bán lẻ thế giới nhòm ngó.

Cách đây vài hôm, tập đoàn bán lẻ Vall Mart đã có buổi làm việc với ITPC để trao đổi về nội dung này. Trên thực tế, từ năm 2000 các nhà bán lẻ đa quốc gia đã xâm nhập vào thị trường bán lẻ VN và hệ thống phân phối nội địa ở VN đang đứng trước nguy cơ bị điều khiển bởi các tập đoàn nước ngoài do sự non yếu của mình.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nhượng quyền thương mại là cách để tăng sức mạnh cho các thương hiệu VN và cũng chính là cách tốt nhất để quảng bá cũng như tạo nội lực cho thương hiệu đó.

Ông Lý Quý Trung, Giám đốc tập đoàn Nam An, ông chủ nhãn hiệu Phở 24, cho rằng, sở dĩ các thương hiệu trong ngành bán lẻ của Mỹ và các nước phát triển giàu, mạnh, khó cạnh tranh là nhờ cách nhân rộng các thương hiệu thành công qua nhượng quyền thương mại.

Ông Terry Ghani, Giám đốc TGA (Malaysia), dự báo sẽ có một cuộc đổ bộ của nhiều nhãn hiệu nước ngoài tràn vào VN và các thương hiệu VN phải “chiến đấu” để giữ được thị phần của mình.

 Thành công của chuỗi cửa hàng nhượng quyền với các sản phẩm về gà KFC là một minh chứng điển hình không chỉ ở VN mà cả nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, nhượng quyền thương mại là cách tập trung sức mạnh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi VN gia nhập WTO.

Nhân rộng thành công

Ông Luke Lim, Giám đốc A.S Louken (Singpore), cho biết ở Singapore, rất nhiều thương hiệu thành công và nổi tiếng nhờ nhượng quyền thương mại. Điển hình như thương hiệu Bread Talk, hệ thống các cửa hàng bán lẻ rất nổi tiếng ở Singapore.

Chỉ trong vòng 6 năm thương hiệu này đã xây dựng một loạt các cửa hàng với cách bài trí thống nhất, đẹp mắt và hiện đại, sau đó nhượng quyền thương mại ở nhiều nơi như Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Philippines, Đài Loan và trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả khu vực...

Ở VN, vấn đề nhượng quyền thương mại còn khá hiếm. Tuy nhiên, việc thành công trong nhượng quyền thương mại của thương hiệu Phở 24 khiến cho nhiều nhà kinh doanh bán lẻ của VN phải tính toán lại việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thông qua con đường này.

Ông Lý Quý Trung cho biết ý định nhượng quyền thương mại đã có từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu cho Phở 24. Hiện nay, hệ thống Phở 24 đã có 19 cửa hàng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (VN), 1 cửa hàng ở Indonesia, trong đó đã nhượng quyền thương mại 8 cửa hàng. Dự kiến năm 2006 sẽ phát triển lên 50 cửa hàng trong nước cũng như xây dựng cửa hàng tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia...

Theo ông Trung, nhượng quyền thương mại sẽ nhân rộng thành công của một thương hiệu. Phí nhượng quyền thương mại của Phở 24 là 7.000 USD/cửa hàng; ở nước ngoài vào khoảng 12.000 USD/cửa hàng.

Công ty mẹ sẽ lo trọn gói trong việc tổ chức huấn luyện nhân viên sao cho cửa hàng nhượng quyền và các cửa hiệu gốc không có gì khác nhau, khách hàng không phân biệt được. “Chỉ cần vài chục thương hiệu nhượng quyền thành công sẽ có vài trăm, vài ngàn ông chủ thành công, DN thành công”- ông Trung nói.

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm