Cảnh giác với những thông tin về CPH Vietcombank

(Dân trí) - Những thông tin về giá trái phiếu tăng vốn, quyền mua cổ phiếu ưu đãi của cán bộ công nhân viên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang cực kì hấp dẫn với các nhà đầu tư. Để giải đáp những thắc mắc này, bà Nguyễn Thu Hà - Phó tổng giám đốc (Vietcombank) đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Xin bà cho biết thời điểm nào trong năm 2007 này thì Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng?

Ngày 6/3 vừa qua, Vietcombank và Credit Suisse đã có cuộc họp đầu tiên và đã xây dựng một lộ trình rất chi tiết. Phương án chi tiết dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 4 này và chậm nhất là trước ngày 10/5. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 6 phương án sẽ được duyệt và kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ là tháng 8/2007.

Điều đó cũng có nghĩa là trái phiếu tăng vốn mà Vietcombank phát hành tháng 12/2005 sẽ được chuyển sang cổ phiếu phổ thông trong tháng 8 này và tỷ lệ chuyển đổi là 1 cổ phiếu “ăn” 2 trái phiếu hoặc 1 cổ phiếu  “ăn” 3 trái phiếu như một số thông tin mà các nhà đầu tư đang truyền tai nhau hiện nay?

Trái phiếu tăng vốn Vietcombank không có tỷ lệ chuyển đổi mà chỉ có nguyên tắc chuyển đổi. Việc đặt ra tỷ lệ chuyển đổi 1 “ăn” 2 hay 1 “ăn” 3 chỉ là cách thức đồn thổi nhằm đầu cơ trục lợi đang diễn ra khá phổ biến hiện nay trên thị trường.

Theo quy định, chủ sở hữu trái phiếu tăng vốn Vietcombank năm 2005 được quyền  sử dụng 100% giá trị trái phiếu (gồm mệnh giá và lãi suất phát sinh trong kỳ trả lãi những chưa đến hạn trả) để mua cổ phiếu phổ thông của Vietcombank khi Vietcombank tiến hành cổ phần hoá, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Chủ sở hữu trái phiếu có quyền từ chối chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi một phần giá trị trái phiếu sang cổ phiếu phổ thông nếu như theo tính toán của họ cho thấy việc chuyển đổi 100% sẽ bị thiệt hơn 2 sự lựa chọn trên. Do đó, những trái phiếu được chủ quyết định không chuyển đổi sẽ là trái phiếu thường và không được chuyển đổi nữa.

Cũng theo quy định, giá mua cổ phiếu của trái chủ là giá cổ phiếu được hình thành sau cuộc bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Như vậy giá này không cố định mà phụ thuộc vào đánh giá của thị trường tại phiên đấu giá.

Trong trường hợp áp dụng một mức giá trúng thầu chung duy nhất cho các nhà đầu tư thì giá chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu sẽ được áp dụng theo mức giá đó. Trong trường hợp có nhiều mức giá trúng thầu cổ phiếu thì giá chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu là giá bình quân gia quyền của các mức này.

Khi chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu sẽ xảy ra trường hợp phải làm tròn. Quy định làm tròn này cũng được chúng tôi nêu rất rõ bằng công thức nhưng cũng đang bị đồn thổi theo hướng không đúng.

Hiện nay đang có hiện tượng nhà đầu tư săn lùng mua năm công tác của cán bộ Vietcombank với giá từ 60-65 triệu/năm. Họ lý luận rằng, khi có cổ phiếu của Vietcombank rồi sẽ sớm được mua thêm cổ phiếu Vietcombank với giá bằng mệnh giá vì còn số 70% vốn thuộc nhà nước sẽ nhanh chóng được giảm xuống sau cổ phần hoá. Như vậy giá ban đầu có thể là cao những nếu cộng lại chia đều ra thì cũng hợp lý. Điều này có đúng không, thưa bà?

Tôi xin nói rằng hiện tượng này không chỉ diễn ra với Vietcombank mà đang diễn ra với một số tổng công ty khác khi tiến hành cổ phần hoá. Có vẻ các nhà đầu tư hiện đang ở trong trạng thái cực kỳ hưng phấn và lạc quan. Sự lạc quan hưng phấn đó càng được kích thích bởi các tin đồn  nở rộ như “nấm sau mưa”.

Nhiều nhà đầu tư đã phớt lờ thông tin chính thống mà chạy theo tin đồn. Trên thị trường giao dịch không chính thức đã có những cổ phiếu tăng 6-7 lần sau đó giảm xuống chỉ còn 1-2 lần, rồi cũng đã có nhà đầu tư lao vào đầu thấu cổ phiếu với giá cao, sau đó lại phải rao bán với giá thấp hơn giá trúng thầu. Có lẽ đã đến lúc các nhà đầu tư phải biết kiềm chế sự hưng phấn quá đà của mình để có được sự đánh giá thị trường sát thực tế hơn.

Nhân đây, tôi xin được thông tin với những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Vietcombank, đang tìm mua năm công tác của CBNV Vietcombank để quý nhà đầu tư cân nhắc tránh những rủi ro đáng tiếc.

Thứ nhất, theo Nghị định 187 của Chính phủ, cũng như thông tư 126 và thông tư 95 của Bộ Tài chính thì mỗi cán bộ công nhân viên tại doanh nghiệp cổ phần hoá được mua tối đa 100 cổ phần (tương đương với 1 triệu đồng mệnh giá) cho 1 năm công tác và giá mua sẽ được giảm 40% so với giá đấu giá thành công phát hành lần đầu ra công chúng. Vietcombank cũng nằm trong diện đó.

Tuy nhiên liên quan đến thời điểm chốt danh sách CBNV Vietcombank hiện nay vẫn chưa có mốc chính thức. Do vậy, chưa thể có số năm thâm niên chính xác cho mỗi cán bộ nhân viên Vietcombank đến thời điểm này.

Thứ hai, những giao dịch mua bán diễn ra là phi chính thức, Vietcombank không đứng ra xác nhận cho điều đó. Chúng tôi cũng đã có công văn nội bộ gửi toàn hệ thống lưu ý về hiện tượng giao dịch này.

Cán bộ nhân viên nào giao dịch phải tự chịu trách nhiệm về giao kết dân sự đó. Hơn nữa loại giao dịch này có  một sở đoản đáng lưu ý là liệu người mua có thể đảm bảo một nhân viên chỉ bán năm công tác của mình cho một người hay nhiều người? Đó là chưa kể đến lúc chốt danh sách thì cán bộ đó còn làm việc cho Vietcombank hay không hoặc có vi phạm kỷ luật gì không?

Phương án cổ phần hoá của Vietcombank chưa được duyệt chính thức nên cũng chưa xác định được lịch trình phát hành tiếp cổ phiếu trong những năm tiếp theo.

Xin cám ơn bà!

Hữu Kiên (thực hiện)