Cảnh giác với các kiểu làm giá
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, chỉ có 3 trường hợp bị xử phạt do vi phạm các quy định về giao dịch sau 7 năm thị trường chứng khoán hoạt động là quá ít trong khi các biểu hiện “làm giá” trên thị trường thì không ít.
Tung tin, đặt giá “trần”...
Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, cách làm giá thường thấy hiện nay trên thị trường là nhà đầu tư tung tin tốt về một loại cổ phiếu trên sàn và sau đó đặt mua cổ phiếu này với giá “trần” trong 2-3 phiên liên tiếp, khiến các nhà đầu tư khác “đu” theo. Tại một thời điểm nào đó, khi giá cổ phiếu đó đang trên đà tăng, nhà đầu tư này đột ngột bán ra với số lượng lớn hơn rất nhiều so với lượng cổ phiếu “mồi” đã mua vào. Những nhà đầu tư nhỏ, không hiểu biết, không giữ vững kế hoạch đầu tư, đầu tư theo phong trào… thường là nạn nhân của kiểu làm giá này.
Theo quy định, một nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản, nhưng lại được phép nhận ủy quyền tài khoản của nhà đầu tư khác. Chính vì vậy, một nhà đầu tư có thể quản lý đến cả chục tài khoản và họ có thể vừa đặt lệnh mua vừa đặt lệnh bán một loại cổ phiếu trong một phiên giao dịch với cách “làm giá” này. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng của Đại học Mở TP.HCM cho biết: “Trước đây, các nhà đầu tư có thể làm giá trong một phiên nhưng hiện nay họ chấp nhận bỏ tiền mua cổ phiếu trong nhiều phiên liên tục để làm giá nhằm tránh bị phát hiện”.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết một trong những hành vi thao túng giá thường thấy là một số thành viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc, người phụ trách tài chính, kế toán... của công ty nắm trước các thông tin quan trọng chưa công bố chính thức như kết quả kinh doanh, tỷ lệ chia cổ tức, dự án... để thực hiện giao dịch mua hay bán cổ phiếu. Đây là những giao dịch nội gián khiến giá cổ phiếu tăng hoặc giảm bất thường. Diễn biến của thị trường trong thời gian qua, nhất là trên thị trường OTC cho thấy biểu hiện thao túng giá kiểu này rất phổ biến nhưng đến nay vẫn chưa có một vụ xử phạt nào bởi việc xác minh, tìm chứng cứ rất khó khăn. Mức xử phạt còn thấp
Theo các chuyên gia trong dự án Mutrap (dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực khi hội nhập WTO do Ủy ban châu Âu tài trợ), ở nhiều nước, các hành vi nội gián, thao túng thị trường, tung thông tin giả bị phạt gấp 3-5 lần số tiền lãi mà nhà đầu tư đó thu được, mức xử lý cao nhất là khởi tố hình sự.
Hiện Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã thành lập bộ phận giám sát chuyên theo dõi các giao dịch, đặc biệt những giao dịch thông qua ủy quyền. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, khi phát hiện các giao dịch làm giá, thao túng giá, UBCKNN cần công bố rộng rãi để các nhà đầu tư biết rằng cơ quan chức năng có thể phát hiện và xử lý những giao dịch như vậy. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng vấn đề là mức xử phạt đối với các hành vi thao túng, làm giá còn thấp.
Tổng giám đốc một công ty chứng khóan cho biết những người làm giá thường phải là “đại gia”, có thể có đến vài trăm tỉ đồng trong tài khoản. Mức phạt vài chục triệu đồng đối với mỗi vi phạm không có tác dụng răn đe, nhất là khi việc “làm giá” có thể giúp nhà đầu tư thu lợi có thể cả vài tỉ đồng.
Việc Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục từ ngày 30/7, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, chỉ phần nào hạn chế được các hành động làm giá.
Trên sàn Hà Nội, nơi giao dịch khớp lệnh liên tục, có biểu hiện một số cổ phiếu bị làm giá, dễ nhận thấy là khi mở cửa thị trường, giá cổ phiếu này được đẩy lên cao nhưng giá giao dịch thật sự trong phiên hôm đó thì thấp hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận cảnh báo, các nhà đầu tư tham gia vào các phiên giao dịch khớp lệnh liên tục cần theo dõi thị trường từng phút, từng giây để đặt một mức giá mua/bán hợp lý, căn cứ vào giá đóng cửa phiên 1.
Nhiều chuyên gia chứng khoán khác lưu ý các nhà đầu tư cần tập thói quen theo dõi diễn biến bảng giao dịch, phân tích... để tự bảo vệ mình.
Thanh Xuân