Cổ phần hoá:
Cần xoá đặc quyền đối với doanh nghiệp lớn
Tổng cục Thuế đang dự kiến đề xuất với Bộ Tài chính, Ban Đổi mới doanh nghiệp xem xét điều chỉnh, hoặc bãi bỏ chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi cổ phần hoá đối với các doanh nghiệp lớn.
Các chuyên gia cho rằng, đây là chính sách tạo ưu đãi đặc quyền, không còn phù hợp. Con số này sẽ còn tăng hơn tuỳ theo tốc độ tăng nhanh của tiến trình cổ phần hoá. Và nếu giữ nguyên chính sách hiện nay, dự kiến năm 2007 ngân sách nhà nước bị giảm thu gần 5.000 tỉ đồng.
Tiền đến... “tự dưng”!
Công ty VMS MobiFone nằm trong kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2007. Theo thống kê bước đầu, thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dự kiến là khoảng 4.200 tỉ đồng. Nếu áp dụng chính sách miễn 100% thuế TNDN, tương đương với 28% số tiền trên trong vòng 2 năm thì số tiền đã là hơn 2.300 tỉ đồng.
Hai năm tiếp theo, doanh nghiệp này lại được hưởng chính sách giảm 50% thuế TNDN, nếu số TNDN vẫn giữ nguyên thì ít nhất doanh nghiệp này không phải nộp số tiền hơn 1.100 tỉ đồng nữa. Như vậy, chỉ với quyết định cổ phần hoá, trong 4 năm, doanh nghiệp này “tự dưng” được Nhà nước “cho không” khoảng 3.300 tỉ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Hết năm 2005, Việt Nam có gần 3.000 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá. Con số giảm thu ngân sách sơ bộ đã là hơn 1.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này sẽ càng tăng lên vào những năm tiếp theo khi tiến trình cổ phần hoá được đẩy mạnh.
Cụ thể, năm 2007 dự kiến ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.000 tỉ đồng; trong đó riêng 17 doanh nghiệp lớn đã lên đến 3.047 tỉ đồng.
Và theo lộ trình từ nay đến hết 2010, Việt Nam sẽ cổ phần hoá khoảng 1.700 doanh nghiệp. Nếu vẫn áp dụng chính sách này, từ năm 2008 trở đi mỗi năm ngân sách nhà nước giảm thu đến gần 10.000 tỉ đồng và thời hạn miễn, giảm thuế kéo dài đến năm 2014.
Theo các chuyên gia, thu ngân sách của Việt Nam đã đến mức đáng báo động từ việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế này.
Xoá bất hợp lý
Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá không chỉ được ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN mà ngay khi tiến hành chuyển đổi, các doanh nghiệp này đã được hưởng quá nhiều ưu đãi từ việc định giá tài sản, đất đai, vay vốn, xử lý nợ... Những ưu đãi sẽ càng nhiều hơn đối với những doanh nghiệp lớn bởi giá trị về tiềm năng phát triển, giá trị thương hiệu...
Từ những ưu đãi này, cộng với ưu đãi lớn về thuế nên doanh nghiệp và rộng hơn nữa là các nhà đầu tư cổ phần, cổ phiếu được hưởng lợi quá nhiều từ cổ phần hoá; trong khi đó, Nhà nước lại bị giảm thu nghiêm trọng.
Điều này lý giải vì sao thực tế những phiên đấu giá cổ phần, mua bán cổ phiếu vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã phải bỏ ra khoản tiền lớn gấp hơn 10 lần giá ban đầu để mua bằng được lượng cổ phần, cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn.
Từ những vấn đề trên, một chuyên gia kinh tế cho rằng: Đã đến lúc bản thân các doanh nghiệp phải nghĩ rằng cổ phần hoá là xu hướng tất yếu, nó còn tất yếu hơn bao giờ hết khi Việt Nam gia nhập WTO.
Đồng thời, cổ phần hoá chính là cái đích cho sự tồn tại khi doanh nghiệp đó muốn tăng khả năng huy động vốn, tham gia thị trường chứng khoán, thích nghi với kinh tế thị trường. Hơn nữa, vấn đề thuế hiện nay không phải là bước cản trở tiến trình cổ phần hoá của các doanh nghiệp.
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, đơn vị này dự kiến đề xuất kiến nghị xem xét lại chính sách này. Quan điểm của Tổng cục Thuế cho rằng chỉ nên ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Theo Phạm Anh
Báo Lao động