Cần ưu đãi xuất khẩu để xử lý 2,1 triệu tấn xỉ than từ thép lò cao

(Dân trí) - Trong khi lượng xỉ than thải loại trong quá trình luyện gang của các nhà máy thép trong nước ngày một lớn, các nhà máy xi măng không sử dụng hết để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã cảnh báo tình trạng xỉ than của thép lò cao tồn dư và đề nghị có cơ chế xuất khẩu.

Tại Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp trong quý II và năm 2017 trình Chính phủ mới đây, qua rà soát hiện trạng các nhà máy thép lò cao trên cả nước, Bộ KH&ĐT đưa ra con số xỉ than dư thừa và kiến nghị có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Xỉ than lò cao của ngành thép cần được xử lý, xuất khẩu.
Xỉ than lò cao của ngành thép cần được xử lý, xuất khẩu.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT cho hay, hiện tổng công suất các lò cao để sản xuất thép tại Việt Nam trong năm 2017 là khoảng 6,5 triệu tấn gang/năm, bao gồm cả nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động. Để có một triệu tấn thép, sẽ phát sinh 350.000 tấn xỉ than, ước đạt số xỉ than thải loại trong quá trình luyện gang thép là khoảng 2,1 triệu tấn

Trong khi nhu cầu sử dụng xỉ lò cao của các nhà máy xi măng Việt Nam không dùng hết thì việc xuất khẩu xỉ lò cao, theo Bộ này, là một giải pháp tạm thời nhằm giảm tác động xấu đến môi trường.

Thực tế, xỉ than thép là sản phẩm của quá trình đốt cháy than cốc (loại than có nhiệt lượng cao) để nung chảy gang, tiền chế ra thép. Than cốc có nhiệt lượng cao, độ bền lâu nên đốt cháy hết sẽ sinh ra xỉ than. Thực tế, loại xỉ này an toàn đối với môi trường nếu bảo quản tốt và vẫn được sử dụng để pha chế vào ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng (gạch, ngói không nung...). Tuy nhiên, nếu tồn dư loại phế phẩm này quá nhiều ra môi trường sẽ gây phát sinh bụi bẩn, trong khi giá trị sử dụng không còn.

Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây Dựng rà soát, có chính sách thuế xuất khẩu phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu xỉ lò cao, đồng thời có kế hoạch tăng cường sử dụng xỉ than trong sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn cả nước.

Một thông tin liên quan là cuối năm 2016, Công ty TNHH Kim Phúc Hà có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép sang Trung Quốc. Thực tế bụi lò thép khác với xỉ than luyện thép, bởi bụi lò thép là chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất thép ở Việt Nam chưa được tái chế.

Hiện loại phế phẩm này được các nhà máy ở Việt Nam thu gom, đóng bao và lưu trữ trong các nhà kho không đảm bảo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Nguy cơ số lượng bụi thải này ngày một tăng mà chưa có phương án xử lý hoặc tái chế, chính vì vậy, DN Việt Nam kiến nghị Bộ cho phép xuất khẩu.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã cho phép DN này được xuất khẩu với lý do bụi lò thép là chất thải nguy hại hoặc có khả năng là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với môi trường. Trong khi, công nghệ tái chế và xử lý bụi lò thép trong nước còn hạn chế. Do vậy, việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đối tác để xuất khẩu, tái chế cần được khuyến khích.

Đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ KH&ĐT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính khẩn trương xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia về xỉ luyện thép. Trên cơ sở các báo cáo của các bộ liên quan, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu mặt hàng xỉ luyện thép cho phù hợp.

Ngoài kiến nghị có cơ chế hỗ trợ DN xuất khẩu xỉ thép, Bộ KH&ĐT còn kiến nghị Chính phủ giao cơ quan liên quan xem xét áp dụng các hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật ngăn thép giá rẻ phá thị trường, bảo vệ trong nước.

Cụ thể, bộ này kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép dễ bị tổn thương do thép ngoại nhập. "Hiện hàng rào kỹ thuật quy định về quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu có hiệu lực nhưng chưa đủ mạnh để chống gian lận kỹ thuật và thương mại từ thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, cần phải xây dựng thêm các hành lang pháp lý cao và mạnh hơn", Bộ KH&ĐT đề xuất.

Nguyễn Tuyền