TS Trần Du Lịch:

Cần thành lập ngay “Quỹ ổn định tỷ giá VND”

(Dân trí) - Theo TS.Trần Du Lịch, nếu thực thi ngay 3 giải pháp ông đề xuất, GDP vẫn tăng trên 6%; CPI sẽ kiểm soát ở một con số và VND sẽ ổn định ở mức tỷ giá từ 21.000 VND/USD.

Cần thành lập ngay “Quỹ ổn định tỷ giá VND” - 1
“Quỹ ổn định tỷ giá VND” sẽ làm dịu thị trường ngoại hối
 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Lịch, áp lực lạm phát, tỷ giá và tình trạng nhập siêu, thâm hụt cán cân vãng lai cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô gặp khó khăn hơn năm 2010.

Mặc dù năm 2010 xuất khẩu đã tăng ngoạn mục, lên tới hơn 26%; đặc biệt, ngân sách năm 2010 lại bội thu hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 yếu tố rất tích cực này chưa thể bù được tình trạng nhập siêu cao và bội chi ngân sách nhà nước.

Một khó khăn nữa về phía doanh nghiệp là vốn trung hạn luôn luôn thiếu vì nguồn huy động tiết kiệm năm 2010 chủ yếu chỉ có ngắn hạn. Bên cạnh đó, tình hình thế giới lại không thuận lợi. Nguy cơ tăng giá dầu, giá lương thực thực phẩm... dẫn đến việc tiềm ẩn các cơn sốt giá...

Cần cả “gói giải pháp”

Việc điều chỉnh tỷ giá là đúng, nhưng chưa đủ để giải quyết mối quan hệ “bộ ba” : lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong khi chúng ta mới chỉ làm có một việc là điều chỉnh tỷ giá.

Theo ông Lịch, chúng ta cần làm "cả gói" các giải pháp thì mới có thể phá vỡ tâm lý lạm phát kỳ vọng.

Đầu tiên, phải cho thị trường thấy rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là ổn định và giữ được giá VND như mức hiện nay trong cả năm 2011. Muốn làm được điều này phải dựa vào năng lực dự trữ ngoại tệ, khả năng điều hành và tiềm lực can thiệp thị trường của Chính phủ.

Thứ 2 là phải kiểm soát được giá cả. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi, bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại. Liên quan đến việc này, một câu hỏi hỏi khác đang đặt ra là Chính phủ có nên tăng giá các mặt hàng như điện, xăng dầu trong lúc này hay không? Theo tôi là phải làm. Phải thị trường hóa một số loại giá hiện nay đang bao cấp, nhưng không thể làm trong một lần vì chênh lệch giữa giá thị trường và giá bao cấp hiện nay còn quá lớn.

Như vậy phải tính một gói: điều chỉnh tỷ giá ở mức như hiện nay đã làm (tiếp cận mức 21.000 VND/USD); cộng với giá điện tăng bao nhiêu, xăng dầu điều chỉnh đên mức nào, cộng thêm cả việc điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 1/5/2011 nữa... để hình thành một mặt bằng giá mới ngay trong quý 1/2011 này. Như vậy, khoảng quý 2 trên thị trường Việt Nam có mặt bằng giá mới và giảm bao cấp một phần các hàng hoá đang bao cấp.

3 giải pháp

Để hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chuẩn bị điều kiện thực hiện quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xin đề xuất ban hành ngay “gói giải pháp”.

Thứ nhất, phải chấp nhận một mặt bằng giá mới và các chính sách điều hành phải được tính toán trên mặt bằng mới này. Ví dụ, chúng ta nói là năm nay mục tiêu tăng CPI là 7%, thì cái "gói" mặt bằng giá mới này "chiếm" hết bao nhiêu trong số đó. Thậm chí, ngay cả trường hợp “chỉ tiêu 7%“ đã hết ngay trong cuối quý 2, nhưng cuối năm ổn định vẫn còn hơn cứ "nhích" mỗi tháng một chút.

Theo tôi, phải có một bài toán định lượng cụ thể để tính những việc này. Cái gói này tác động bao nhiêu, đẩy chi phí mặt bằng kinh tế đến cỡ nào... Và trên cơ sở đó, chúng ta mới có những chính sách điều hành để giữ mặt bằng giá mới này.

Nếu chúng ta tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ tin đồn thôi cũng khiến không ít người sợ. Thà là tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài của mình. Như vậy, mới có thể chấm dứt được lạm phát kỳ vọng hiện nay.

Dĩ nhiên không thể thị trường hoá các sản phẩm hàng hoá đang bao cấp trong một lần, mà cần chia ra theo lộ trình để “chen” vào khi thời cơ cho phép trong khoảng 3 năm (những lần sau cần có cách làm để không đẩy mặt bằng giá trên thị trường).

Thứ hai, chính sách tài khóa phải cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Chính sách tiền tệ phải thắt chặt, tăng tín dụng 2011 dưới 20%, cung tiền khoảng 15%; sử dụng nguồn tăng thu của ngân sách năm 2010 để giảm bội chi trong năm 2011. Đặc biệt, phải thắt chặt chính sách đầu tư để không tạo tăng tổng cầu trong nền kinh tế.

Làm được như vậy sẽ kiềm chế được CPI. Nếu cuối năm có nhích một chút nhưng vẫn kiểm soát được. Trong điều kiện đó, chúng ta giảm LS, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Khi tổng cầu giảm sẽ kéo theo giảm đầu tư và giảm nhập siêu đáng kể. Cán cân vãng lai sẽ được cải thiện và VND sẽ ổn định được giá trị của nó.

Thứ ba, xem xét có thể thành lập ngay “Quỹ ổn định tỷ giá VNĐ” hay một hình thức nào đó cho thấy lực lượng kinh tế nhà nước đủ sức khống chế thị trường ngoại hối.

Đây là biện pháp tình thế để chống đầu cơ trên thị trường ngoại hối. Cần tính toán ngay quy mô của Quỹ đủ sức kiềm giữ tỷ giá VND và công bố mạnh mẽ để tác động vào tâm lý đầu cơ. Xây dựng tỷ giá dự kiến ổn định cả năm 2011 để làm cơ sở điều hành của NHNN (1USD tương đương 21.000 đ). Quỹ này được huy động từ 2 nguồn là dự trữ của NHNN và vay của NHTM quốc doanh và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (tính toán hình thức vay và trả không làm ảnh hưởng đến thanh khoản của những đơn vị này).

NHNN quản lý Quỹ này để can thiệp thị trường, làm suy giảm mọi nỗ lực của giới đầu cơ.

Giải pháp thứ 3 này mang tính tình thế chủ yếu để “đánh” vào tâm lý đầu cơ bằng công cụ vật chất của nhà nước.

Tất cả các giải pháp trên nên triển khai ngay trong tháng 3 để ổn định tỷ giá và khoảng quý 2/2011 sẽ ổn định CPI và thực hiện lộ trình giảm lãi suất từng bước cho đến cuối năm 2011.

Khi thị trường có niềm tin về triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế vẫn tăng trưởng khá. Tôi dự liệu khi thực hiện các biện pháp mạnh nói trên năm 2011, GDP vẫn tăng trên 6%; CPI sẽ kiểm soát ở một con số và VND sẽ ổn định ở mức tỷ giá từ 21.000 VND/USD.

PV (Theo Chinhphu.vn)