Khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIII:

Cần thẳng thắn chỉ ra yếu kém về kinh tế để tìm biện pháp khắc phục

(Dân trí) - “Quốc hội chúng ta sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20/5).

Cần thẳng thắn chỉ ra yếu kém về kinh tế để tìm biện pháp khắc phục
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực” (ảnh: Việt Hưng).

Sáng nay 20/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng nhưng còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* [INFOGRAPHIC] Tài chính cá nhân không hề dễ dàng

* Chủ tịch Quốc hội: Tình hình Biển Đông diễn biến khó lường

 

Theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực, tăng trưởng những tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm... Tuy vậy, kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, khó khăn trong sản xuất - kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới”.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

“Quốc hội chúng ta sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói.
 
Cần thẳng thắn chỉ ra yếu kém về kinh tế để tìm biện pháp khắc phục
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua. (ảnh: Việt Hưng)

Thay mặt Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; giá cả, thị trường cơ bản ổn định.

Cũng theo đánh giá của Phó Thủ tướng, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 16,9%; nhập khẩu tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013; chi ngân sách nhà nước đạt 32,9% dự toán, tăng 7,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6,7%. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 6%.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước .

Trong 4 tháng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 16,2% về vốn; đã có hơn 5,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động. Trong 4 tháng có 27 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, 238 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 50 doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 11 doanh nghiệp thực hiện các hình thức sắp xếp khác.

Và đặc biệt, theo đánh giá của Chính phủ, tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh còn chậm đi vào cuộc sống (như gói hỗ trợ tín dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ lãi suất đối với tôm, cá tra, tái canh cây cà phê, việc đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan…). Tổng cầu thấp, sức mua vẫn còn yếu; tiêu thụ sản phẩm, nhất là gạo và một số nông sản còn nhiều khó khăn; nhập khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á.

“Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Môi trường đầu tư còn nhiều bất cập. Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn nhiều trở ngại, chưa đạt yêu cầu”, đại diện Chính phủ thừa nhận.

Nguyễn Hiền
 
Tư vấn trực tuyến về giải pháp vay tiêu dùng cá nhân trên FICA