Cần “luật hóa” doanh nghiệp xã hội

(Dân trí) - Theo TS Trần Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang giúp Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề xã hội, cần luật hóa DNXH để tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Hỗ trợ những nhóm người “lề hóa”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Ngày 12/11 tại TPHCM, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức buổi tọa đàm “Tạo lập môi trường phát triển bền vững cho DNXH tại Việt Nam” với sự tham gia của đại diện của gần 100 DNXH để cùng trao đổi về những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho loại hình DN này phát triển.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã giới thiệu nhiều mô hình DNXH có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội đang tồn tại như thiếu việc làm, cuộc sống thiếu ổn định của nhóm người bị “lề hóa” như trẻ em đường phố, người khuyết tật (NKT), người có HIV; hỗ trợ phát triển nông thôn, cải tạo cuộc sống phụ nữ nghèo nông thôn…

Nổi bật lên là mô hình của nhà hàng Koto của 1 việt kiều Úc. Từ mối đồng cảm về cuộc sống bấp bênh của những đứa trẻ đường phố, anh quay về Việt Nam mở trường dạy nghề đầu bếp và phục vụ nhà hàng cho những đứa trẻ này. Sau đó anh mở loạt nhà hàng mang thương hiệu Koto để làm nơi cho các em vừa học, vừa làm. Khi tốt nghiệp, các em đều có kỹ năng để làm việc tại các nhà hàng, khách sạn đẳng cấp quốc tế, nhiều em được nhận vào làm tại các nhà hàng khách sạn lớn ở Việt Nam cũng như ở Úc với mức thu nhập cao.

Những trẻ em đường phố được đào tạo làm phục vụ, đầu bếp với chứng chỉ quốc tế tại Koto
Những trẻ em đường phố được đào tạo làm phục vụ, đầu bếp với chứng chỉ quốc tế tại Koto

DN Thiên Tâm thì lại nhắm đến việc hỗ trợ NKT dạng vận động. Để tạo việc làm phù hợp cho nhóm đối tượng này, Thiên Tâm chọn loại hàng hóa mà họ kinh doanh là đồ thủ công mỹ nghệ. Những mặt hàng nhỏ như túi thơm, khẩu trang phòng độc… được ướp thảo dược hỗ trợ an thần, thanh tâm như một nét đặc sắc để thu hút khách cũng như tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng. Tuy nhiên, hàng hóa của DN này bán ra chủ yếu là để bù đắp chi phí sản xuất, mục tiêu lớn nhất là tạo sinh kế cho người lao động là NKT.

Còn Trung tâm Nghiên cứu giáo dục khiếm thính lại nhắm đến nhóm đối tượng khiếm thính. Đây là tổ chức đầu tiên hướng đến lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động là khiếm thính. Trung tâm này mày mò xây dựng tất cả các giáo trình có thể như dạy chữ, ngôn ngữ ký hiệu, kỹ năng sống… cho người khiếm thính để họ có thể hòa nhập với cộng đồng, lao động được trong các tập thể đồng cảnh cũng như đơn vị bình thường.

Cần “chính danh” để có chính sách

Theo thạc sĩ Lưu Minh Đức (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), hiện ở Việt Nam có khá nhiều mô hình hoạt động của DNXH, có thể xếp thành các loại hình chính như: tạo việc làm, giúp nhóm yếu thế tự vững về kinh tế; kinh doanh thêm để bù đắp chi phí phục vụ mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội; mở dịch vụ xã hội cần thiết giúp nhóm yếu thế (ví dục như điều trị người có HIV nghèo với chi phí thấp); chia sẻ nguồn lực, lợi ích…

Tất cả các DNXH đều được thành lập trên cơ sở các dự án, các chương trình giải quyết vấn đề xã hội. Sau đó mới phát sinh nhu cầu cần có nguồn thu bền vững để bù đắp chi phí thực hiện và mở rộng chương trình. Do đó, hiện các DN này được điều chỉnh bởi 2 khuôn khổ pháp lý là hoạt động như 1 DN thực thụ hoặc hợp tác xã; cũng có DN tồn tại như 1 tổ chức xã hội, hội đoàn thể…

Ông Lưu Minh Đức cho rằng: “Đặc trưng của DNXH là càng mở rộng thì xã hội hưởng lợi càng lớn. Hiện nước ta có khoảng 300 DNXH, mỗi năm trung bình có thêm 50 DNXH nhưng tất cả các doanh nghiệp đều nhỏ lẻ, hoạt động khó khăn và không có lãi. Nguyên nhân chính là các DN này hoạt động với tiêu chí phi lợi nhuận nhưng lại chưa được công nhận chính thức, chưa có loại hình pháp lý dành riêng cho DNXH. Việc thiếu khuôn khổ pháp lý phù hợp gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của DNXH”.

Bà Bùi Việt Hà, Giám đốc công ty Phát triển sống xanh cho biết: “Mới chỉ hình thành hơn 1 năm nhưng CLB Doanh nhân xã hội Miền Nam đã có 21 thành viên hoạt động trong đủ các lĩnh vực như truyền thông, giáo dục, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, môi trường, sản xuất thủ công… DNXH càng phổ biến thì cần 1 những quy định rõ ràng, ưu đãi phù hợp để quản lý và tạo điều kiện cho nó phát triển”.

TS Trần Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kết luận: “DNXH thực ra là đang giải quyết những vấn đề xã hội, đó là trách nhiệm của nhà nước. Trong thời điểm nhà nước chưa đủ nguồn lực để làm tốt những vấn đề này, DNXH làm thay thì phải có chính sách để nó phát triển. Nhưng mà muốn có chính sách thì phải chính danh”.

Do đó, ông đề nghị cần “luật hóa” DNXH để tạo môi trường phát triển bền vững cho mô hình này. Để “luật hóa”, ông đề nghị cần đưa khái niệm DNXH cũng như các điều khoản liên quan về quyền và nghĩa vụ của DNXH vào Luật Doanh nghiệp; tất cả phải có quy định rõ ràng để tạo hàng lang pháp lý cho mô hình này phát triển và cơ quan chức năng thì có căn cứ để quản lý.

Tùng Nguyên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước