Cần đầu tư hơn nữa cho du lịch sinh thái ĐBSCL
(Dân trí) - “ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái miệt vườn nhưng thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức” - nhiều đại biểu đã nhận định như vậy tại Hội thảo “Vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn” tại Tiền Giang ngày 21/4.
Ông Trần Văn Ngợi - Giám đốc Ban điều hành Dự án phát triển du lịch MêKông đánh giá: “ĐBSCL có lợi thế về điạ hình sông nước thích hợp cho du lịch sinh thái. Bởi khu vực này có những vườn trái cây, những món ăn dân dã và có loại hinh đờn ca tài tử độc đáo… để thu hút du khách trong nước và quốc tế”. Tuy nhiên thế mạnh đang mất dần.
Theo ông Ngợi, do chưa có sự quan tâm sâu sắc của các nhà tổ chức, kinh doanh du lịch còn sơ sài, chưa được đầu tư để tạo dấu ấn và các mô hình du lịch trong vùng còn giống nhau gây nhàm chán do du khách.
Ôn Ngợi cho rằng, cần đầu tư cho các nhà máy chế biến trái cây cũng như các công trình phụ trợ kèm theo để tạo đầu ra cho các vườn.
“Chúng ta cần tạo điều kiện cho các nhà vườn thực hiện việc tái đầu tư; giao cho một tổ chức đang tồn tại hoặc thành lập một tổ chức mới để làm đầu mối xử lý việc thu hút đầu tư vào các vườn cây ăn trái” - ông Ngợi nhấn mạnh.
Theo ông Trần Duy Phượng - Phó GĐ Sở VH-TT-DL Bến Tre, thì Bến Tre có nhiều điều kiện phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn với hơn 50 điểm du lịch. Số lượng du khách đổ về Bến Tre tăng qua các năm (từ hơn 250.000 lượt trong năm 2001 lên gần 500.000 lượt vào năm 2009, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 40%).
Tuy nhiên, theo ông Phượng, Bến Tre vẫn còn hạn chế như hàng hóa và vật phẩm lưu niệm chưa độc đáo, hấp dẫn; tình trạng xuống cấp của một số điểm chậm sửa chữa; các công ty lữ hành chưa gắn kết chặt chẽ với các điểm du lịch; chất lượng dịch vụ kém; nhân viên làm việc kém ngoại ngữ…
Ông Phượng cho rằng, để phát triển du lịch sinh thái thì cần phát triển du lịch từ cơ sở kinh tế vườn như thực hiện nhóm liên kết tạo cụm du lịch giữa các tỉnh, các điểm du lịch với nhau; Nhà nước, nhà làm vườn cần đầu tư hơn nữa trong việc sửa sang vương theo mô hình xanh-sạch-đẹp tạo cảnh quan môi trường…
Theo Ths Võ Thị Cẩm Nhung - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ hướng dẫn (trường Trung cấp Du lịch Sài Gòn) thì một trong những yếu tố quan trọng khác trong việc phát triển du lịch sinh thái là đội ngũ nhân viên phục vụ. Theo Ths Nhung, thống kê hiện nay cho thấy lực lượng lao động trong ngành Du lịch khoảng hơn 20.000 người.
Hiện nay, nhiều nhà vườn vẫn sử dụng nhân lực tại chỗ, người trong gia đình hoặc các điểm du lịch có quy mô vừa và nhỏ vì thế họ không muốn đưa nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng vì sợ tốn kém, mất thời gian… “Vì thế đội ngũ nhân viên này thường chưa qua đào tạo, chỉ làm theo cảm tính và kinh nghiệm, ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt của sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái” - Ths Nhung đánh giá thêm.
Loại hình du lịch homestay (loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân) nhà vườn ĐBSCL được Ths. Sơn Hồng Đức - Phó Trưởng Khoa Du lịch (trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho biết là rất được du khách quan tâm. Tuy nhiên theo Ths. Đức, để phát triển loại hình này cần đề cao vấn đề giao tiếp và việc phục vụ nghỉ ngơi ăn uống cho du khách.
Huỳnh Hải