Cần “đánh thức” du lịch miền Trung!
(Dân trí) - “Chất lượng du lịch ở vùng duyên hải miền Trung chưa được đánh giá cao”. Đây là kết luận được rút ra tại “Hội thảo xúc tiến đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch” diễn ra ngày 28/11 tại TP Đà Nẵng.
Mời gọi đầu tư
Là vùng có bờ biển kéo dài trên 1.000 km với nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng như: Phong Nha Kẻ Bàng, Bạch Mã, Ba Nà, Mỹ Khê, Lăng Cô và vịnh Nha Trang… miền Trung được ví như một dải đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Tuấn Anh đã nhấn mạnh: Tiềm năng du lịch của miền Trung là không cần bàn cãi và những chính sách của Nhà nước đầu tư cho miền Trung cũng rất thoả đáng. Điều quan trọng là các tỉnh miền Trung cần cơ chế thích hợp để thúc đẩy phát triển xứng với tầm của mình.
Những năm gần đây, miền Trung đang nỗ lực khai thác các tiềm năng về văn hoá. Một số địa phương như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Nha Trang… hàng năm đã đón khoảng trên dưới 1 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ trung bình tăng trên 17% năm.
Điều đáng chú ý là cơ cấu đầu tư cho du lịch đã chuyển dần từ khách sạn, nhà nghỉ sang những khu du lịch cao cấp và tập trung đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch khác tôn tạo các danh lam, thắng cảnh… tạo ra những sản phẩm mới ngày càng hấp dẫn du khách.
Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực VHTT&DL trên địa bàn miền Trung cũng cần được thống nhất về danh mục dự án kêu gọi đầu tư cũng như những chính sách về thu hút đầu tư ở tầm quốc gia.
Điều quan trọng nữa là tạo môi trường liên kết giữa các tỉnh, thành phố với các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, điều phối, liên kết và đa dạng các hoạt động xúc tiến như: Tăng cường liên kết, điều phối để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Khó khăn không nhỏ?
TS Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: Tiềm năng thu hút đầu tư lĩnh vực VHTT&DL của khu vực duyên hải miền Trung là vô cùng to lớn.
Khu vực này được thiên nhiên ưu đãi rất phù hợp với phát triển du lịch và làm du lịch nhưng để làm được những điều trên các tỉnh miền Trung cần phải có một chiến lược thích hợp, cần ngồi lại với nhau để đánh giá và tìm ra hướng phát triển tốt nhất.
Quả thực tài nguyên du lịch của miền Trung cho đến nay phần nhiều cũng đang ở dạng tiềm năng và chỉ mới được sử dụng thô. Do đó, tốc độ tăng trưởng về lượng khách và thu nhập từ du lịch mang lại là chưa đúng với những gì mà vùng duyên hải này vốn có.
Một vấn đề khác cần được nhìn nhận, quy hoạch vùng của miền Trung còn mạng tính định hướng, thiếu sự liên kết chặt chẽ nên dễ dẫn đến cạnh tranh. Mặt khác cơ sơ hạ tầng như: Giao thông, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và các hoạt động lữ hành còn chưa được du khách đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch, văn hoá còn đơn điệu thiếu tính hấp dẫn. Việc xây dựng sản phẩm chủ yếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, còn thiếu sự đầu tư và chưa dựa vào thế mạnh đặc thù nên mặt nội hàm văn hoá trong các dự án đầu tư phục vụ du lịch còn rất hạn chế.
Thực ra không phải là không có giải pháp nhưng muốn làm được điều đó thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà quản lý, người làm du lịch mà còn ý thức công dân về văn hoá, môi trường và lợi ích cộng đồng…
Minh San