Cận cảnh siêu trung tâm thương mại “ế khách” của Nga
Dự án quận tài chính trị giá 12 tỷ USD ở Moscow từng được kỳ vọng sẽ là một biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Nga...
Được vạch ra vào năm 1992, Moscow International Business Center, tức Moskva City, có mục tiêu cạnh tranh với khu Manhattan ở New York, Mỹ hoặc thành phố London của Anh.
Tuy vậy, theo trang Business Insider, với nền kinh tế Nga ngấp nghé suy thoái hiện nay, giá bất động sản ở dự án mang tên Moskva City đang giảm chóng mặt và hàng loạt công trường xây dựng trong dự án bị bỏ dở. Theo hãng tư vấn Blackwood, tỷ lệ văn phòng đã hoàn thiện nhưng “ế khách” ở khu này lên tới 45%.
Khu vực rộng hơn 60 hectare này là nơi tọa lạc của 4 trong số 5 tòa nhà cao nhất ở châu Âu, bao gồm tòa cao nhất mang tên The Federation Tower East.
Tất cả các cao ốc đều được xây dựng nhằm gây ấn tượng, chẳng hạn như tòa Evolution dạng xoắn ốc cao 54 tầng này.
Hiện đã có tổng cộng 8 tòa nhà chọc trời ở Moskva City được hoàn tất, 8 tòa khác đang được xây dựng, và 2 tòa nữa dự kiến hoàn tất vào năm 2018. Tổng chi phí của dự án được ước tính là 12 tỷ USD.
Tuy vậy, tình hình ở đây rất kém khả quan. “Một số người cho rằng, cứ xây nhiều nhà chọc trời ở một chỗ là sẽ có một trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng không phải thế. Cần phải có những thứ khác nữa”, nhà phân tích địa ốc Darrell Stanford nói với tờ New York Times về Moskva City.
Dự án này bắt đầu gặp khó khi kinh tế Nga tăng trưởng chậm hơn dự báo trong mấy năm gần đây, đặc biệt là khi giá dầu lao dốc và lệnh trừng phạt siết chặt khiến nền kinh tế lâm khủng hoảng trong năm 2014.
Đó là một vài trong số những lý do khiến 45% những tòa nhà đã hoàn thiện không có khách thuê. Tỷ lệ này có thể lên 50% trong năm nay.
Đường phố vắng vẻ ở Moskva City.
Ở nhiều khu vực của dự án chỉ có những người làm nhiệm vụ bảo vệ.
Gần như không có một ai khác qua lại.
Không khó để bắt gặp những bức vẽ graffiti ở nơi lẽ ra phải trang trọng và lịch sự này.
Báo chí Nga nói rằng, hoạt động xây dựng ở Moskva City đã rơi vào đình trệ. Nhiếp ảnh gia Konstantin Salomatin, người thực hiện những bức ảnh này, nói: “Tôi đến Moscow cách đây 3 năm. Tôi chẳng thấy dự án này thay đổi gì mấy trong 3 năm đó”.
Dự án trì trệ một phần do thiếu vốn, một phần do nhu cầu thuê văn phòng.
Tình hình có vẻ sẽ còn xấu thêm. Một khi có thêm những tòa nhà mới được hoàn thành, tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống sẽ tăng cao hơn.
Khi được hỏi, một người sinh ra và lớn lên ở Moscow gọi Moskva City là “điều tồi tệ nhất” và “gây ngứa mắt”.
Nhiếp ảnh gia Salomatin quan sát thấy những người làm việc ở Moskva City là “những người giàu có, mặc vest”. Ông cũng nói không nhìn thấy xe hơi Nga trên đường phố ở trung tâm này, mà chỉ thấy xe BMW, Mercedes và Jaguars.
Tuy vậy, số xe sang và các doanh nhân nước ngoài ở Moskva City cũng đang giảm xuống.
Tờ New York Times cho biết, chỉ có 42% khách thuê mới ở Moskva City trong năm 2014 là các công ty tài chính quốc tế - đối tượng khách hàng mà dự án này ban đầu hướng tới.
Các công ty địa phương và không thuộc ngành tài chính đang chiếm đa số khách thuê mới trong dự án này do mức giá thuê rẻ. Văn phòng ở Moskva City có mức giá thuê trung bình 74,2 USD/m2, rẻ hơn khoảng 9 USD/m2 so với mức giá trung bình tại các khu vực khác của Moscow.
Trong khi đó, giá văn phòng ở London có thể lên tới 2.946 USD/m2, cao gấp 40 lần ở Moscow City.
Nhiều không gian ban đầu dự kiến dành cho văn phòng giờ đã được thay đổi mục đích sử dụng, chuyển sang dành cho khách sạn hoặc rạp chiếu phim.
Nhiều người Moscow than phiền về sự khác biệt quá lớn giữa một Moscow đậm chất lịch sử và Moskva City.
Một người Moscow gọi Moscow City là “một sai lầm lớn trong quy hoạch đô thị”, vì các tòa cao ốc của dự án này được xây quá gần trung tâm lịch sử của thành phố, phá hỏng cảnh quan.
Nhiếp ảnh gia Salomatin đồng tình với quan điểm này. Ông thích Moscow cổ kính hơn và gọi Moskva City là “món trang sức lòe loẹt và lạ lẫm”.
Salomatin cho biết vào buổi tối, nhiều cư dân ở Moscow tới khu vực bãi đỗ xe bị bỏ hoang hoặc công trường xây dựng ngổn ngang vỏ chai rượu của Moskva City, chỉ để ngồi và ngắm đèn.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy