Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi: Khó khả thi!
(Dân trí) - Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu do Chính phủ vừa ban hành nêu rõ không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Khảo sát của <i>Dân trí</i> tại một số quán vỉa hè, cơm bụi…
Tối 14/4, sân vận động Mỹ Đình bắt đầu chật ních người ra hóng mát. Chọn cho mình một góc bên vỉa hè, bà Lương (làng Phú Đô) nhanh chân kê hộp xốp và bày biện vài chiếc ghế để bán trà đá.
Gọi là quán nước nhưng theo bà Lương, những quán vỉa hè này sẵn sàng bán thứ gì mà khách hàng có nhu cầu. Bà nói, từ nước ngọt, mực khô, cá chỉ vàng, rượu… nếu ai hỏi mua thì những chủ quán cóc như bà sẵn sàng được đáp ứng.
Trước khu vực sân vận động Mỹ Đình, đêm mùa hè có rất nhiều bạn trẻ ra hóng mát, đặc biệt là những đêm cuối tuần thì lượng người đổ về đây tăng lên rất nhiều lần, trong đó, có những “nhân vật” là học sinh các trường THCS, PTTH tại địa bàn Hà Nội.
Nghị định 40 cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công tham gia làng nghề sản xuất rượu nếu thuộc địa phận có làng nghề.
Theo đó, tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu theo quy định về đăng ký kinh doanh. Đến trước ngày 1/1/2010, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. |
“Tôi cũng không biết là Nhà nước có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi”, chủ quán cho biết. Cũng theo bà, từ ngày ruộng đất bị thu để xây dựng sân vận động Mỹ Đình, bà dọn bàn ra đó bán hàng rong.
Những mặt hàng bày bán, tất nhiên không thể thiếu rượu nhưng việc kiểm soát độ tuổi của khách hàng để bán rượu là rất khó. “Chẳng lẽ cứ có khách mua rượu là hỏi tuổi, vậy thì ai vào quán mình nữa?”, bà đặt câu hỏi.
Tại khu vực Hồ Tây, cả dãy vỉa hè ven hồ về đêm trở thành “điểm hẹn” của các “chiếu nhậu”. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, món ăn mà khách hàng ưa thích là ốc luộc và rượu gạo.
Trong nhóm của chúng tôi, trên thực tế vẫn có những người dưới 18 tuổi nhưng khi hỏi mua rượu thì chủ quán không hề quan tâm mà vẫn mang chai rượu gạo đựng trong vỏ chai nước tinh khiết ra bán. Chị Hà, chủ quán, thật thà nói khó mà phân biệt độ tuổi sinh viên với học sinh, trừ khi đưa chứng minh thư cho chị xem thì may ra mới biết.
Việc kiểm soát độ tuổi của “thượng đế” mới bán rượu, chủ các quán nhậu cũng cho rằng hết sức khó khăn. Chủ nhân quán thịt chó trên đường Nguyễn Khang cho biết, khách hàng vào quán thì đủ mọi lứa tuổi, và tất nhiên họ ăn thịt chó thì không thể thiếu rượu. “Ngay việc đi hỏi tên tuổi của khách cũng chẳng khác việc “đuổi” họ khỏi quán mình”, chủ quán này cho biết.
Các quán ăn sáng, tiệm cơm bình dân, rượu vẫn là thứ hàng hoá mà khách hay yêu cầu. Theo đó, vẫn thuộc nhóm quản lý của Nghị định về việc cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng khả năng thực hiện, theo họ “là không hề đơn giản”.
“Nếu bắt phải làm cam kết không bán rượu cho trẻ vị thành niên thì chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, để xác định ai là vị thành niên, ai là người lớn thì điều này không nằm trong khả năng nhận biết của những người bán cơm bụi như chúng tôi”, bà Hiên, chủ một quán cơm bình dân trên đường Xuân Thuỷ, nói.
Tiến tới, nhằm siết chặt công tác quản lý, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
Mặt khác, yếu tố tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu với hàm lượng các thành phần độc tố cao, dần dần thay thế bằng các loại rượu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định... cũng được đặc biệt quan tâm, theo Nghị định 40.
Trần Hưng