Cãi vã tay ba giữa Trung Quốc, EU và Mỹ
(Dân trí) - Với cáo buộc Trung Quốc đã áp mức thuế vô lý đối với mặt hàng linh kiện lắp ráp xe ôtô nhập khẩu, lần này EU và Mỹ quyết tâm đưa “gã nhà giàu mới nổi” ra trước “ông lớn” WTO để đối chất.
Cái lý của Trung Quốc
Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 1 vị trí quan trọng trong ngành sản xuất xe ôtô ở Trung Quốc – gần ¼ sản lượng toàn ngành. Tuy nhiên luật nước này quy định, nếu xe lắp ráp trong nước có trên 60% linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì sẽ phải chịu mức thuế ngang bằng thuế đánh trên xe nhập khẩu nguyên chiếc, tức là từ mức 10-14% lên mức 28%.
Theo lãnh đạo Trung Quốc, quy định này nhằm hạn chế các nhà sản suất cố tình tránh thuế bằng cách nhập khẩu xe từng phần sau đó lắp ráp lại ngay tại cơ sở trong nước. Tất nhiên lời giải thích này không thể làm các doanh nghiệp Mỹ và EU hài lòng.
Vấn đề mở cửa thị trường linh kiện ôtô trị giá 19 tỷ USD chỉ là 1 trong hàng loạt các tranh chấp phát sinh kể từ sau khi Trung Quốc trỗi dậy “đình đám” trên thị trường thương mại toàn cầu.
Nhiều “tội”?
Đây là lần đầu tiên EU đưa Trung Quốc ra WTO kể từ khi nước này gia nhập bước chân vào tổ chức năm 2001, còn với Mỹ thì đã là lần thứ 2. Điều đáng nói trong chỉ 1 thời gian ngắn, Trung Quốc đã liên tiếp "dính líu" tới 2 vụ rùm beng xung quanh vấn đề thuế. (Liên minh châu Âu vừa mới ra phán quyết áp thuế phá giá đối với mặt hàng dày gia nhập từ châu Á, trong đó có Trung Quốc, chỉ cách đây có mấy ngày).
Đã từ lâu, cả EU và Mỹ tỏ ra rất không hài lòng về việc "gã mới nổi" cứ khư khư bảo vệ thị trường nội địa, trong khi hàng hóa giá rẻ nước này thì mặc nhiên làm mưa làm gió khắp các thị trường thế giới.
2 cường quốc cũng lên tiếng phản đối nạn làm giả làm nhái tràn lan các sản phẩm nước ngoài, từ quần áo “hàng hiệu”, âm nhạc cho đến băng đĩa lậu. Đấy là chưa kể đến “tội” nặng nhất là cố tình giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để các nhà xuất khẩu nội địa hưởng lợi.
Dù sao, vấn đề này chắc chắn sẽ được WTO xem xét 1 cách nghiêm túc. Hiện cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức đang tiến hành những thủ tục đầu tiên trong quy trình xét xử. Theo đó, Trung Quốc sẽ có 10 ngày để đáp ứng yêu cầu do EU và Mỹ nêu ra. Nếu vấn đề vẫn không thể giải quyết trong vòng 60 ngày, WTO sẽ chính thức đưa ra những phán quyết mang tính bắt buộc cuối cùng.
Hải Minh
Theo BBC