Cái giá "khủng khiếp" của phát triển, đô thị hóa ở TQ
Trung Quốc sẽ chi 850 tỷ USD để cải tạo nguồn nước trong thập kỷ tới, nhưng dù kinh phí lớn đến vậy cũng không thể đảo ngược thực trạng ô nhiễm.
Nguồn nước của Trung Quốc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt.
Trung Quốc hứa hẹn đầu tư 650 tỷ USD – số tiền tương đương gói kích cầu kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ riêng phục vụ các dự án cải tạo nước sạch cho vùng nông thôn trong giai đoạn 2011-2020. Hơn nữa, nước này cũng bổ sung thêm ít nhất khoảng 200 tỷ USD dành cho một loạt các dự án làm sạch nước trên toàn quốc.
Việc bơm tiền để làm sạch nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dòng sông, hồ trên khắp Trung Quốc đang ngày càng ô nhiễm với loại tảo nở hoa gây ra bởi lượng phân bón chảy, tràn hóa chất và nước thải chưa qua xử lý.
Cá chết do nước hồ bị ô nhiễm nặng. |
Zhou Lei, giáo sư tại Đại học Nam Kinh cho biết: "Lý do tại sao Trung Quốc chưa thể cải thiện được nguồn nước dù đã chi ra rất nhiều tiền cho việc xử lý ô nhiễm là bởi vì họ đã theo đuổi mô hình đô thị hóa sai lầm”.
Những tham vọng kinh tế đang làm hạn chế môi trường, chẳng hạn như Bắc Kinh phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong 3 thập kỷ qua và ước tính thiếu hụt nguồn cung cấp nước hàng năm là 50 tỷ m3 cần thiết cho nhu cầu năng lượng và nông nghiệp ngày càng tăng.
Trong khi đó, chính phủ lại phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng của việc giải quyết các tác động môi trường do việc tăng trưởng quá nhanh. Đồng thời Trung Quốc cũng đang phải giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí lan rộng bao phủ nhiều thành phố phía Bắc trong tháng Giêng vừa qua.
Việc chi những khoản tiền khổng lồ cho việc điều trị, hơn là phòng ngừa, vẫn chưa phải là giải pháp thích hợp cho tình trạng ô nhiễm nặng nề hiện nay, ông Zhou cho hay.
Theo Nguyên Thảo
Kiến thức/Reuters