Các quỹ đầu tư tiếp tục đổ vào Việt Nam

Hầu hết các quỹ đầu tư đều nhắm đến khả năng mua lại cổ phần từ những công ty nhà nước được cổ phần hóa hoặc những công ty tư nhân quy mô nhỏ đang cần nguồn vốn để tái cấu trúc công ty, mở rộng quy mô hoạt động....

Đầu năm 2007 cùng lúc Jaccar, một quỹ đầu tư (QĐT) có tên tuổi của Pháp, đổ vốn vào Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thì Aureos Đông Nam Á cũng đầu tư vào Công ty gỗ Trường Thành. Trước đó, Draper Fisher Jurvetson (DFJ), công ty đầu tư mạo hiểm quốc tế hàng đầu của Mỹ liên doanh với VinaCapital thành lập một QĐT mới tại Việt Nam. Những dự đoán về dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục chảy vào Việt Nam đang trở thành hiện thực.

Chuyển trụ sở về Việt Nam

"Chúng tôi sẽ chuyển trụ sở văn phòng ở châu Âu về Việt Nam" - tuyên bố gây bất ngờ này là của vị Chủ tịch QĐT Jaccar, ông Jacques De Chateugvieux tại lễ ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Giải thích với báo chí, ông Jacques De Chateugvieux nói: "Tôi nói như vậy hoàn toàn không phải để xã giao mà chúng tôi sẽ làm thật. Bởi vì thị trường Việt Nam kinh doanh rất tốt. Tôi thấy nhân viên người Việt ở đây vừa thông minh, vừa chăm chỉ. Ngoài cơ hội làm ăn, tôi còn thấy lực lượng lao động ở đây khá cạnh tranh".

Cách đây không lâu, trong dịp thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Đan Mạch đã cắt băng khai trương Quỹ Private Equity New Markets (PENM) được quản lý bởi Ngân hàng BankInvest - quản lý khối tài sản 23 tỉ USD, trong đó dành 3 tỉ USD đầu tư vào các nước đang phát triển. PENM quản lý nguồn vốn 80 triệu USD, sẵn sàng đầu tư vào các công ty chưa niêm yết hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, du lịch, khách sạn...

Trước đó, sự xuất hiện của quỹ Vietnam Holding có số vốn 112 triệu USD cũng làm giới tài chính chú ý. 60% nguồn vốn của quỹ này được huy động từ các nhà đầu tư Thụy Sĩ. Giới đầu tư còn đặt nhiều kỳ vọng vào những tên tuổi như Golman Sachs hay Merrill Lynch (Mỹ).

Hầu hết các QĐT đều nhắm đến khả năng mua lại cổ phần từ những công ty nhà nước được cổ phần hóa hoặc những công ty tư nhân quy mô nhỏ đang cần nguồn vốn để tái cấu trúc công ty, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy mỗi QĐT đặt ra những tiêu chí lựa chọn cho riêng mình, nhưng do có rất nhiều QĐT nên cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp là rất lớn.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết: "VOF (Quỹ Việt Nam Opportunity Fund do VinaCapital quản lý - PV) chỉ nhắm đến những công ty thuộc hạng đứng đầu trong từng lĩnh vực ở Việt Nam để đầu tư". Chẳng hạn, gần đây nhất VOF đầu tư vào Kinh Đô, Masan và Phở 24.

Trong khi đó, Mekong Capital chọn những công ty thuộc khu vực tư nhân ở các địa phương với quy mô nhỏ. Các công ty này sử dụng nhiều nhân công lao động và có khuynh hướng thiên về xuất khẩu.

Còn Dragon Capital gần như không loại trừ khả năng đầu tư nào. Đúng với tính cách đầu tư mạo hiểm, ông Louis Nguyễn, Giám đốc điều hành Quỹ DFJ VinaCapital L.P nói: "Những dự án công nghệ thông tin có tính mới, độc đáo, sáng tạo có nhiều lợi thế để chúng tôi đổ vốn vào". Tim Draper nhà sáng lập, cũng là thành viên điều hành Quỹ DFJ nói thêm: "Chúng tôi là nhà đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp. Chúng tôi biết các bạn trẻ ở Việt Nam rất thông minh, năng động và chịu khó. Nơi đó sẽ xuất hiện những ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Chúng tôi quyết định theo đuổi những cơ hội to lớn đang hiển hiện ở đây".

Cũng lo ngại về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như sự mở cửa có mức độ trong ngành viễn thông, nhưng theo Tim Draper, tất cả những yếu tố đó không thể lớn hơn cơ hội đầu tư sinh lời ở Việt Nam trong lúc này.

Hình mẫu thành công

VinaCapital (Công ty quản lý quỹ VOF, thành lập tại Việt Nam hồi tháng 9.2003 với số vốn ban đầu 10 triệu USD) đến thời điểm này, tức chỉ sau hơn 5 năm hoạt động, đã huy động vào Việt Nam số vốn trên 1 tỉ USD.

Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, giá trị thị trường của VOF đạt cỡ 304 triệu USD dù vốn của quỹ chỉ gần 250 triệu USD. Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital tiết lộ: "Tất cả số tiền kể trên trong VOF đã được giải ngân hết cho các dự án tại Việt Nam. Công ty đang tiếp tục huy động thêm vốn".

VinaLand là quỹ thứ 2 do VinaCapital thành lập, hiện đang quản lý 205 triệu USD chuyên đầu tư vào các dự án bất động sản. Mới đây nhất, VinaCapital liên doanh với DFJ thành lập Quỹ DFJ VinaCapital L.P (vốn ban đầu là 50 triệu USD) chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực CNTT và các công ty viễn thông được cổ phần hóa. Điểm đặc biệt là cả 2 quỹ VOF và VinaLand đều được niêm yết trên thị trường chứng khoán London.

Một trường hợp điển hình về sự kiên trì "bám trụ" ở Việt Nam là Dragon Capital - công ty quản lý quỹ thành lập ở Anh năm 1994 chủ yếu tập trung hoạt động tại thị trường Việt Nam. Những năm 1997-1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, nhiều QĐT cũng ra đi tương tự như nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Dragon Capital ở lại và đã thành công.

Mekong Capital cũng là QĐT thành công đáng kể tại thị trường Việt Nam với tổng vốn ban đầu 18,5 triệu USD. Công ty này lại vừa tiếp tục thành lập quỹ thứ 2 với số vốn 50 triệu USD.

Theo Trung Bình
Thanh Niên