Cả tăng trưởng và lạm phát đều rất “nóng”
(Dân trí) - “Đối với đông đảo bà con cử tri khắp mọi miền Tổ quốc, “cơm, áo, gạo, tiền” là nỗi bận tâm hàng ngày, dễ thấy, dễ cảm nhận nhất. Vấn đề chất lượng tăng trưởng cũng vậy vì hầu như ngày nào mở báo ra, cũng thấy xảy ra chuyện này, chuyện khác”.
Bài toán hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát luôn khó giải.
Nguyên Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương Đảng và nay là Đại biểu QH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, TS. Trần Văn dự đoán trong Kỳ họp QH sẽ diễn ra vào 20/5 tới, vấn đề tăng trưởng và lạm phát đều sẽ rất nóng.
Xin ông nói rõ thêm về chuyện “cơm áo gạo tiền” và “chuyện này chuyện khác” của vấn đề tăng trưởng sẽ được đặt lên bàn Nghị sự?
Các ĐBQH về với Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội nặng trĩu những “gửi gắm” của cử tri cả nước tới Đảng, QH, CP. Thực tế đi tiếp xúc cử tri vừa qua, ở đâu chúng tôi cũng thấy bà con lo lắng khi thấy giá cả vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước ngày càng tăng trong khi giá cả nông sản hàng hóa không tăng tương ứng.
Đó là chưa kể thiên tai, dịch bệnh lúc nào cũng có thể ập xuống tạo nên “gánh nặng kép” cho nông dân. Do đó, sức ‘nóng” sẽ bắt đầu từ câu chuyện giá cả, nhất là ở khu vực nông thôn, vốn là nhóm dân cư đóng góp nhiều cho sự ổn định vĩ mô, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi do “cánh kéo giá cả” giữa nông sản và sản phẩm công nghiệp, dịch vụ.
Còn vấn đề tăng trưởng cũng sẽ “rất nóng” vì các ĐBQH luôn nhìn nhận, phân tích và đánh giá tăng trưởng từ khía cạnh phát triển bền vững, có nghĩa là tăng trưởng luôn phải gắn với việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, hai mục tiêu này còn có quá nhiều vấn đề.
Nào là cá chết hàng loạt trên sông Trà Khúc do nước thải xả từ nhà máy đường ở Quảng Ngãi, ô nhiễm môi trường nước do Tung Kuang ở Hải Dương... rồi tình trạng mất an toàn mùa lũ, hạn hán mùa khô, phá rừng thượng nguồn do xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, dịch bệnh…
Nếu phát triển không bền vững, không giải quyết hài hòa ba trụ cột tăng trưởng là kinh tế, xã hội và môi trường với tâm điểm là chất lượng cuộc sống của nhân dân thì tăng trưởng sẽ mất đi ý nghĩa tích cực.
Thực tế thì tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2009, khi sắp xếp thứ tự cho vấn đề “chất lượng” hay “nhanh” của tăng trưởng kinh tế, QH đề nghị đưa “chất lượng” lên hàng đầu, nhưng CP kiên trì với mục tiêu “nhanh”. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 1 tháng sau đó, CP đã phải chuyển hướng điều hành chính sách. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?
Vấn đề chất lượng và tốc độ tăng trưởng đã được QH thảo luận rất kỹ tại kỳ họp cuối năm.
TS. Trần Văn. |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, năm 2009, mặc dù kinh tế tăng trưởng 5,32%, nhưng một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Do vậy, không nên quá tập trung vào tăng tốc độ tăng trưởng và đề nghị đặt vấn đề nâng cao chất lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại là trọng tâm ưu tiên.
QH đã tiến hành xin ý kiến đại biểu. Kết quả là 337/360 ĐBQH tán thành với những nội dung và thứ tự sắp xếp trong mục tiêu tổng quát đã được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các đại biểu QH khi đó là: “Nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng... “
Tình hình đã diễn ra đúng như vậy và việc dự báo đúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách và đề ra các giải pháp đúng.
Sau khoảng 5 tháng đưa vấn đề ổn định vĩ mô lên hàng đầu, bắt đầu từ trung tuần tháng 4/2010, có vẻ như CP lại muốn dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng nhanh với các chính sách tiền tệ bắt đầu được “nới” ra. Theo ông, đây đã là thời điểm thích hợp cho việc dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng?
Tôi không cho rằng việc CP yêu cầu sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất theo tinh thần Nghị quyết số 23 của CP ban hành ngày 7/5/2010, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu là “nới lỏng” chính sách tiền tệ.
Vì tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng còn dư địa nhiều so với chỉ tiêu. CP vẫn đang kiên định với những nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát đã được QH thông qua.
Có nhiều ý kiến nhận định rằng CP không khó để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5%, mà mục tiêu khó hơn nhiều là làm sao đảm bảo cho CPI dưới 7%. Và quả thật, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 của CP đã kết luận: Cố gắng kiềm chế CPI ở mức 8%. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm khá sáng sủa. Từ đó, có nhiều dự báo về việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay. Tôi cũng chia sẻ sự lạc quan này.
Về mục tiêu giữ CPI khoảng 7%, tôi nhận thấy, do nguy cơ tái lạm phát cao sớm được cảnh báo nên CP đã kịp thời có những giải pháp thích ứng như Nghị quyết số 18 và tốc độ tăng giá tháng 4 đã bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, CPI tháng 4 đã tăng 9,23% so với tháng 4/2009, làm cho khả năng kiềm chế lạm phát cả năm khoảng 7% rất khó khăn.
Theo tôi, để đạt mục tiêu kiềm chế CPI là 7% hay 8% thì đều phải phấn đấu quyết liệt thì mới có thể thực hiện được và đó phải là nỗ lực của tất cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Tôi tin tưởng vào sự giám sát của QH, điều hành của CP và CPI năm 2010 sẽ không vượt một chữ số để tăng trưởng KTXH thực sự có ý nghĩa đối với người dân trong cả nước.
Lê Châu (thực hiện)