Buôn lậu hoành hành tại cửa khẩu Lao Bảo

(Dân trí) - Mặc dù thời gian này chưa phải là cao điểm cho dân buôn hàng lậu, thế nhưng khi chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) thì tình trạng buôn lậu vẫn rầm rộ, ngang nhiên qua mặt các ngành chức năng.

Ngồi ở quán nước cách cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo chừng 200m, chúng tôi nhìn thấy hàng chục chiếc xe máy Minks nhằm thẳng hướng Đông Hà vun vút lao đi. Ngay lối mòn, từng nhóm người gánh trên vai những thùng hàng nặng trịch tập kết cách trạm kiểm soát chưa đầy 50m.

Anh Toàn một người dân sống lâu năm tại Lao Bảo cho biết: "Đó là hàng lậu gồm thuốc lá, nước tăng lực, nồi cơm điện và rượu... Nguồn hàng này họ lấy ở một kho trên đất Lào rồi chuyển về Việt Nam bằng thuyền trên sông SêPôn".

Hàng lậu mang về qua đường quá cảnh

Nhờ tấm giấy thông hành của một người quen, chúng tôi dễ dàng sang được đất bạn Lào. Đi xe máy chừng 10 phút, chúng tôi đã đến chợ KaRôn, chợ tập kết hàng quá cảnh thuộc huyện SêPôn, tỉnh Savanakhẹt.

Khu chợ không sầm uất như trung tâm thương mại Lao Bảo nhưng hàng hoá đầy đủ, nhiều chủng loại, tấp nập kẻ bán người mua. Nhìn thấy tấm biển lớn ghi DaoHeung Co.Ltd, anh Toàn giải thích: "Đây là kho của công ty Đào Hương do một người Lào làm chủ. Dân bốc xếp tại đây gồm người Lào và người Việt".

Khác với suy nghĩ ở đây chỉ có dân buôn lậu trao đổi hàng hoá, chúng tôi nhìn thấy bóng của lực lượng công an, hải quan và bộ đội biên phòng Lào đang làm nhiệm vụ. Lực lượng này kiểm tra hàng hoá trước lúc xuất kho bán cho người Việt Nam. Hàng ở đây chủ yếu là hàng quá cảnh không được tiêu thụ trên đất Lào.

Theo quan sát, mỗi thùng hàng khi đóng gói xong đều được đánh số ký hiệu ghi OA, BC, hỏi ra mới biết OA là hàng của ông An, BC là của bà Cẩm... để những người bốc xếp tập kết hàng đúng chủ rồi nhanh chóng đưa xuống thuyền chở về Việt Nam.

Theo anh Dũng một người dân bốc xếp lâu năm cho biết: "Hàng đóng thùng ở đây chủ yếu là thuốc lá Jet, mỗi ngày xuất kho ít nhất là 1000 thùng, còn bình quân là 3000 thùng. Thuốc lá Jet nhẹ, dễ vận chuyển, tiền lời cao nên dân buôn lậu mua với số lượng lớn. Các mặt hàng khác như nồi cơm điện, linh kiện xe máy cũng có song không nhiều".

Các ngành chức năng làm ngơ?

Thời gian dân buôn lậu tập kết “ăn hàng” là vào lúc sáng sớm, trưa và chập tối, nhằm lúc lực lượng tuần tra về nghỉ. Được biết, dọc tuyến sông SêPôn có 2 trạm kiểm soát liên ngành đường sông và trạm kiểm soát Bộ đội biên phòng Long Thành.

Buôn lậu hoành hành tại cửa khẩu Lao Bảo - 1
  

Những chiếc thuyền chở hàng lậu trên sông SêPôn.

Tuy nhiên, cách trạm kiểm soát đường sông liên ngành này chừng 300 mét, chúng tôi nhìn thấy thuyền buôn lậu cập bến và ngang nhiên bốc hàng lên bờ nhưng chẳng thấy bóng của lực lượng tuần tra mặc dù lúc này mới 16 giờ chiều.

Đến trạm kiểm soát liên ngành gần đó chúng tôi được một chiến sỹ tên Vinh (đang ngồi xem ti vi) trả lời: "Chúng tôi ở đây chỉ có 5 chiến sỹ nhưng chỉ làm quản lý chứ không trực tiếp bắt giữ, việc này thuộc đội chống buôn lậu cửa khẩu".

Những anh xe thồ ở đây cho hay: "việc này diễn ra như cơm bữa vì chủ hàng không xuất hiện mà chỉ những người dân nghèo gánh thuê". Không như những chiếc đò cập bến phần nào phải lén lút, những người gánh thuê này vô tư tập kết hàng cách trạm cửa khẩu chừng 50 mét chờ xe thồ đến chở đi, thậm chí đưa cả lên xe ôtô.

Trên chuyến xe chở chúng tôi xuôi về thị xã Đông Hà được chất đầy thuốc lá Jet và nồi cơm điện. Thuốc được các con buôn xé lẻ để trong các túi xách, mang quanh người. Dọc đường từ Lao Bảo về Đông Hà tài xế luôn cho dừng xe để bốc thêm hàng.

Hàng này do những người buôn bán nhỏ gửi về mà người dân dọc Quốc lộ 9 thường gọi là dân Rôbôt (hay dân Cua Rạm). Mặc dù trên xe chở đầy hàng lậu nhưng suốt tuyến đường không thấy các lực lượng chức năng kiểm tra, thậm chí khi xe dừng làm thủ tục tại trạm Hải quan Cổng B cũng không thấy mở cửa xe để kiểm soát.

Để ngăn chặn nạn buôn lậu, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã thành lập nhiều lực lượng, bố trí chốt chặn trên suốt chiều dài 83 km của tuyến đường từ Lao Bảo về Đông Hà như: Trạm hải quan Làng Vây, đội kiểm soát liên ngành Tân Hợp, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, đội quản lý thị trường lưu động và trạm hải quan Cổng B…

Những tưởng với một lực lượng đa ngành luôn tuần tra kiểm soát thì hàng lậu khó có đường lọt vào Việt Nam, thế nhưng trên thực tế hàng lậu vẫn tuồn vào một cách dễ dàng. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao với một lực lượng đông đảo như vậy mà hàng lậu vẫn tuôn về như thác đổ?

Hiếu Giang