Buôn lậu gia cầm lộng hành, Hải quan muốn nâng chế tài phạt
(Dân trí) - Mặc dù cơ quan chức năng liên tục triển khai các đợt quét gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, phần lớn đều kèm theo dịch bệnh khỏi thị trường, tuy nhiên, các đối tượng vẫn dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng sâu vào nội địa.
Siêu lợi nhuận, gia cầm phần lớn kèm bệnh dịch vẫn không ngừng được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Tổng cục Hải Quan dẫn nguồn tin từ Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, địa bàn trọng điểm của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép tập trung ở các khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma như bản Kéo Kham, bãi Danh thuộc thị trấn Đồng Đăng hay Gốc Nhãn, Nà Quân, Nà Phát thuộc Yên Khoái, Chi Ma.
Theo phản ánh của cơ quan này, các đối tượng vẫn dùng thủ đoạn chia nhỏ, xé lẻ lượng hàng rồi thuê người mang vác qua đường mòn, lối mở, đường tắt… từ các cửa khẩu Trung Quốc vào Việt Nam.
Từ cánh gà các cửa khẩu, đối tượng buôn lậu sử dụng xe gắn máy, ô tô tải nhỏ, xe 3 bánh gắn biển hiệu thương binh để vận chuyển hàng đi sâu vào nội địa. Thời gian vận chuyển thường vào chập tối hoặc nửa đêm về sáng. Đặc biệt, các đối tượng có tổ chức chặt chẽ, sử dụng bộ đàm, điện thoại di động canh gác ở ngã ba, ngã tư theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu và báo ngay cho chủ đầu nậu nhằm trốn tránh, đối phó nhanh.
Cùng với các đơn vị chức năng như công an, biên phòng, quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm, Hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ tổng số 13 vụ buôn lậu mặt hàng này, tổng trị giá ước tính 351,4 triệu đồng.
Tang vật bắt giữ gồm cả gia cầm con các loại (gà, vịt, ngỗng, chim bồ câu) và trứng gà quả. Toàn bộ số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã được bàn giao cho lực lượng kiểm dịch để tiêu hủy theo quy định.
Cục Hải quan Lạng Sơn cũng cho biết, phương thức buôn lậu thường xuyên thay đổi, tinh vi cùng với địa bàn quản lý hải quan rộng, rải rác, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt… đã gây nhiều khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ.
Bên cạnh đó, hành vi nhập lậu gia cầm mang nguồn bệnh nguy hiểm cho xã hội nên tính chất mức độ vi phạm cao nhưng chế tài xử phạt hiện nay còn nhẹ nên dù bị bắt giữ cũng không đủ sức răn đe các đối tượng.
Vì vậy, cơ quan này đã đề nghị cần tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định theo mức tăng nặng chế tài xử phạt với các hành vi kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu trong thời gian tới.
Bích Diệp