Buôn hàng hiệu sale off kiếm tết
Hàng năm, cứ dịp Tết, khá đông du học sinh Việt Nam về nước sum họp cùng gia đình. tranh thủ "ôm" thêm nhiều mặt hàng ngoại về nước, đến khi quay sang thi không quên mang theo đặc sản Việt Nam.
"Gom" hàng ngoại... sale về nước
Tâm lý của khá đông người tiêu dùng trong nước, những chiếc áo hàng hiệu, những lọ nước hoa, mỹ phẩm, túi xách xách tay từ nước ngoài về luôn là "thước đo" đẳng cấp, "độ" sành điệu của người sở hữu nó. Do đó, hàng hoá xách tay vẫn tồn tại mạnh mẽ trong thời kỳ thị trường hàng hóa trong nước đang ngày càng phong phú.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các vụ hàng nhái trà trộn vào các cửa hàng chuyên đồ xách tay bị phanh phui, người tiêu dùng ngày càng thiếu tin tưởng vào việc mua sắm tại các con phố chuyên hàng hiệu. "Phố xách tay" ế khách thì ngay lập tức, lãnh địa kinh doanh hàng xách tay được phát triển rầm rộ trên các chợ mạng, chợ ảo online.
Chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm, gõ dòng chữ hàng xách tay, hơn 34 triệu kết quả về loại hàng này đủ khiến người tiêu dùng hoa mắt. Bên cạnh các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang là vô số các loại đồ điện tử như điện thoại, laptop với đủ loại nhãn hiệu nước ngoài. Trong đó, hàng điện tử như điện thoại di động, laptop, máy ảnh là mặt hàng có nhiều chủng loại hơn cả và thu hút khá đông khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Lực lượng kinh doanh của nhiều gian hàng chuyên xách tay trên chợ ảo này lại chính là các du học sinh Việt Nam hoặc những người có họ hàng ở sinh sống ở nước ngoài.
Mô hình hoạt động chủ yếu là mua hàng dưới dạng order, tức là khách hàng đặt cọc khoảng 50 - 70% số tiền mua sản phẩm qua tài khoản ngân hàng, sau đó chủ cửa hàng sẽ check tài khoản và bắt mối với các du học sinh để chuyển hàng về nước. Còn đối với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, khách hàng có thể đặt hàng theo catalogue giới thiệu sản phẩm của hãng. Sau đó, họ sẽ phải trả thêm tiền phí từ 5 - 10% sản phẩm cho chủ cửa hàng ngoài số tiền món hàng mà các hãng công bố giá trên trang web hay tại showroom.
Thu Hương, du học sinh Việt Nam tại Hà Lan cho biết, em cùng các bạn trong nước lập ra một topic chuyên nhận hàng xách tay trên một số chợ online. Việc buôn bán ban đầu cũng khó khăn vì khách hàng chưa thể tin tưởng để order hàng trước, do nhiều trường hợp lừa đảo "tiền trao nhưng cháo... không múc". Nhưng sau nửa năm kinh doanh, cửa hàng cũng đã có nhiều mối khách ruột, có người sau khi nhận được hàng "chuẩn" khá hài lòng nên đã giới thiệu cho những khách hàng khác.
"Điều quan trọng nhất là mình phải đảm bảo nguồn gốc hàng hoá, có bill (hoá đơn mua hàng đầy đủ gửi về khách hàng). Đã xây dựng được uy tín với khách hàng thì việc kinh doanh thuận tiện hơn rất nhiều, muốn bán được hàng, người bán phải biết "bắt bài" xem khách hàng đang "chuộng" món nào mà nhập về cho kịp. Số tiền lãi không nhiều nhưng nếu có mạng lưới khách ruột thì thu nhập rất cao. Công việc này đủ cho em chi tiêu khá thoải mái khi sống ở Hà Lan", Thu Hương cho biết.
Ngoài ra theo bật mí của Hương, muốn ăn lãi cao thì nhiều du học sinh thường tranh thủ gom hàng sale (tức hàng giảm giá theo mùa - PV) của các hãng thời trang Zara, Mango, H&M, Gucci và một số mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thật nhiều. Vào những dịp cuối năm dương lịch, các siêu thị nước ngoài đều có những đợt sale off, có khi giá giảm đến 50 - 70% giá trị hàng đang bán.
"Hàng sale off của nước ngoài không có tình trạng bị trà trộn hay "treo đầu dê bán thịt chó" như ở Việt Nam. Đây là những loại hàng hết mốt hoặc hàng cận date nên được nhà sản xuất bán tháo. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, những mặt hàng này vẫn là hàng có thương hiệu "xịn" nên bán có giá rất cao, gấp 3- 4 lần giá trị khi mua hàng sale off" - Thu Hương cho biết.
Dịp sát Tết Âm lịch cũng là thời điểm nhiều du học sinh về nước nên việc "găm" hàng sale và đem về nước vừa đảm bảo lại tiết kiệm được chi phí vận chuyển, diễn ra khá phổ biến. Hãng hàng không nào cũng có quy định cho khách hàng được xách theo số lượng hàng hoá khoảng 20- 30kg/người. Do đó, cứ mỗi dịp này, các du học sinh đều cũng tranh thủ ôm vác, lỉnh kỉnh các loại đồ thời trang, mỹ phẩm... để mang về nước kinh doanh.
Xách thêm đặc sản Việt sang tây
Chị Thu Linh (Hàng Đường, Hà Nội) cho biết: Mua hàng hiệu tại các cửa hàng ở Việt Nam bây giờ đều ở tình trạng "năm ăn, năm thua" do tỷ lệ trà trộn của hàng nhái khá cao. Nhưng nếu tìm được những chỗ bán hàng order của các du học sinh đã giao dịch uy tín nhiều năm thì rất yên tâm, vì hàng hoá đều được gửi ở bên nước ngoài về lại kèm theo hoá đơn mua hàng đầy đủ. Chi phí xách tay cũng khá cao nhưng với các "tín đồ" hàng "xịn", họ sẵn sang móc hầu bao cho việc mua - bán này.
Vài năm gần đây, thị trường hàng hoá xách tay cũng xuất hiện nhiều mặt hàng nhái do các cửa hàng chuyển sang mua hàng giả trộn vào hàng hiệu "xịn" kiếm lời. Nếu như với các mặt hàng túi xách, quần áo thời trang, khi lỡ mua phải hàng nhái từ các cơ sở gia công may mặc của Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ còn biết trách mình không đủ sành điệu để nhận biết thì các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, nếu mua phải hàng nhái, hậu quả về sức khoẻ, tính mạng còn nguy hại hơn gấp bội.
Các mặt hàng ăn khách nhất được các du học sinh đua nhau kinh doanh chính là mặt hàng túi xách, quần áo, mỹ phẩm, kính... của những nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Lacoste, LV, Versace, D&G, Just Cavalli, Ohui, Channel, Olay, L'Oreal... Đây đều là hàng "xịn", hàng chuẩn nên mức giá khá cao, trong đó chỉ một số ít mỹ phẩm, quần áo có giá tiền trăm còn hầu hết các mặt hàng được tính bằng tiền triệu đồng. Dù vậy, mức giá của hàng do các du học sinh xách tay về vẫn "mềm" hơn khá nhiều so với các cửa hàng, siêu thị có nhập khẩu các mặt hàng cùng thương hiệu, hiện đang bán tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, các du học sinh khi kết thúc dịp nghỉ Tết, trở lại nước ngoài học tập, còn tranh thủ "ôm" thêm các mặt hàng đặc sản Việt Nam. Những món ăn bình dị, quen thuộc ở Việt Nam như miến dong, bột sắn, chè Thái Nguyên, nem chua Thanh Hoá... đều trở thành hàng hiếm, có khó tìm ở nước ngoài.
Anh Âu Đức Thọ, du học sinh Việt Nam tại Anh, kể lại, dịp gần Tết trước khi về Việt Nam, anh có đăng tải lên trang facebook cá nhân của mình khá nhiều mẫu mã và giá cả của các loại túi xách và quần áo hàng hiệu. Ai có nhu cầu sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho người nhà của anh tại Việt Nam. Sau khi check và thống kê số lượng hàng, anh Thọ sẽ mua và đem theo về Việt Nam qua đường hàng không.
Để tránh kiểm tra của hải quan, những mặt hàng này đều phải bóc hết tem, mác và vứt lại hộp. Số tiền lãi thu được sau mỗi lần "ôm" hàng như vậy là khá lớn, do mặt hàng thời trang ở bên Anh được sale off khá "khủng" mỗi dịp Giáng sinh và cuối năm. Khi sang Anh tiếp tục việc học tập, anh Thọ cũng tranh thủ mang thêm một số loại thực phẩm, đặc sản made in Vietnam về để bán cho những cửa hàng chuyên cung ứng hàng Việt tại các chợ người Việt.
"Đặc sản Việt Nam cũng được bán khá nhiều tại các siêu thị và các khu chợ người Việt nhưng hầu hết là hàng đã qua vận chuyển tại nhiều chuyến bay, cửa khẩu nên không còn độ tươi ngon. Trong khi, hàng xách tay của các du học sinh đều là hàng đặc sản Việt Nam đã qua chọn lọc kĩ càng, lại là hàng mới nên nhiều người ở bên này rất yêu thích", anh Thọ cho biết thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức mua hàng xách tay kiểu này còn nguy hiểm hơn so với mua hàng xách tay tại các cửa hàng. Nhiều trường hợp, khi nhận hàng, người mua mới phát hiện ra hàng bị lỗi, nhầm size hoặc vớ phải hàng nhái nhưng không thể đổi hay trả lại. Thậm chí, có trường hợp sau khi giao đủ tiền hàng qua chuyển khoản, khách hàng đợi dài cổ cũng chưa nhận được hàng do chủ cửa hàng ảo đã biến mất. Theo chia sẻ của các quản trị trang web mua bán trực tuyến, những trường hợp mua - bán lừa xảy ra thường xuyên. Với những vụ gian thương bỏ túi hàng tỉ đồng, người tiêu dùng phải nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an. Còn những vụ lẻ tẻ khác thì khách hàng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì chủ gian hàng ảo chỉ cần thay đổi số điện thoại, chuyển trụ sở, xoá topic bán hàng là đã mất dấu vết. |
Theo NĐT