Bộ Xây dựng xin "giải cứu" các doanh nghiệp trong ngành

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có báo cáo dài nhiều trang gửi Ủy Ban kinh tế Quốc hội kiến nghị nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

 Trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm 2012 gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội,  Xây dựng cho biết năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn về sản xuất, tiêu thụ và tài chính.
 
Bộ Xây dựng xin giải cứu các doanh nghiệp trong ngành
Hàng tồn trong cả năm 2011 và 8 tháng đầu năm 2012 trong ngành vật liệu xây dựng khiến một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng sản xuất
 
Tồn kho đến mức phải dừng sản xuất
 
Bộ Xây dựng tổng hợp trên cơ sở báo cáo của Hiệp hội kính và thuỷ tinh Việt Nam, Hiệp hội gốm sứ Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy số lượng hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn.
 
Cụ thể, về Kính tấm tiêu thụ ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Cả nước có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn với công suất thiết kế 150 triệu m2 nhưng tồn kho đến cuối tháng 8 năm 2012 của 7 doanh nghiệp này khoảng 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn, tương đương sản lượng kính của hơn 4 tháng sản xuất (trong đó riêng kính nổi tồn kho 57 triệu m2, tương ứng sản lượng 5 tháng sản xuất).

Từ năm 2011 đến cuối tháng 8 năm 2012, có 3/4 lò kính cán in hoa dừng sản xuất đã làm giảm 85% công suất kính cán in hoa của toàn ngành kính.

Riêng Tổng công ty VIGLACERA có 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến 30/8/2012 là 15,7 triệu m2.

Mặt hàng kính gia công tiêu thụ ước giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011, bộ Xây dựng đánh giá với tình hình tiêu thụ khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao khiến một số nhà máy tiếp tục dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Theo bộ Xây dựng, lĩnh vực kính gia công sử dụng nhiều lao động nhưng do khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nên có doanh nghiệp đã giảm đến 40% lao động so với cuối năm 2011.

Về lượng tồn kho gạch ốp lát toàn ngành khoảng 60 triệu m2, 40 dây chuyền phải dừng sản xuất.

Doanh nghiệp xi măng hoạt động kinh doanh lỗ lớn như xi măng Tam Điệp, xi măng Hải Phòng, xi măng Quang Sơn, xi măng Cẩm Phả, xi măng Hạ Long, xi măng Sông Gianh, xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long, xi măng Đồng Bành.

Xin hàng loạt ưu đãi

Theo đó, trước những khó khăn mà bộ Xây dựng cho rằng “doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể có chiều hướng gia tăng nhanh“  bộ này đề nghị Quốc hội gói giải pháp gồm 8 nội dung để giải cứu doanh nghiệp ngành xây dựng

Cụ thể có những nội dụng đáng chú ý như Bộ đề nghị Quốc hội giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ quản lý ngành có giải pháp linh hoạt trong việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước như bán phần vốn nhà nước theo hình thức thoả thuận, chuyển vốn Nhà nước, mua nợ tại các doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ kiến nghị bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012.

Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, dãn thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, theo bộ Xây dựng nên tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay; cải cách các thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.

Đồng thời, Bộ đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay có gốc ngoại tệ; xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản.

Một giải pháp nữa để kích cầu tiêu dùng vật liệu xây dựng, bộ Xây dựng đề nghị thực hiện giảm 50% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT bằng 5%) đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2) và mua lần đầu để ở.

Thông Chí