“Bộ tứ” xe tải Nga, Đức, Nhật, Hàn "thế chân" xe Trung Quốc tại Việt Nam

(Dân trí) - Cùng chung đà giảm nhanh của tổng lượng xe Trung Quốc nhập khẩu, xe tải nước này hiện cũng đang mất dần thị trường ở Việt Nam, nơi mà 3 năm về trước họ đã thiết lập lãnh địa riêng cho các dòng xe tải hạng nặng với giá rất rẻ của mình.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, trong tổng lượng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam, lượng xe tải đạt hơn 5.200 chiếc, bằng 30% lượng nhập, giảm hơn 1.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Xe tải Trung Quốc giảm nhanh, mạnh

Nếu so với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2016, lượng xe tải nhập khẩu đạt gần 5.657 chiếc (chiếm hơn 50,5% tổng lượng xe nhập) thì 2 tháng đầu năm nay, xe tải nhập khẩu không chỉ giảm về số lượng, mà đánh mất đi 20% trong tổng lượng xe nhập chỉ sau 1 năm.

Những chiếc xe tải hạng nặng mang thương hiệu Trung Quốc đang được rao bán với nhiều quà tặng nhưng hiện trạng chung là khá ế ẩm (ảnh Nguyễn Tuyền)
Những chiếc xe tải hạng nặng mang thương hiệu Trung Quốc đang được rao bán với nhiều "quà tặng" nhưng hiện trạng chung là khá ế ẩm (ảnh Nguyễn Tuyền)

So sánh với con số hàng năm, năm 2016, lượng nhập xe tải về Việt Nam cũng giảm rất mạnh, chỉ còn hơn 47.500 chiếc, giảm 1.500 chiếc so với năm 2015. Đáng nói, trong các thị trường nhập ô tô tải của Việt Nam hiện nay, nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức và mới đây là Nga.

Riêng thị trường Trung Quốc, trong các chủng loại ô tô nhập vào Việt Nam thì có gần 60% xe tải, 40% là các loại xe ô tô du lịch, xe thương mại. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, lượng xe tải của Trung Quốc vào Việt Nam giảm từ chỗ hơn 1.000 chiếc (2 tháng năm 2016) xuống chỉ còn hơn 450 chiếc theo một xu hướng chung.

Trong khi đó, lượng xe của các thị trường như Nhật, Đức, Nga, Hàn Quốc về Việt Nam 2 tháng qua chỉ thay đổi nhẹ. Xe Đức giảm 91 chiếc, xe Nga giảm 108 chiếc, xe Hàn giảm 25 chiếc, xe Nhật giảm hơn 200 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói, nếu so sánh qua các năm từ 2016 với 2015, xe nhập từ Trung Quốc giảm nhanh trông thấy. Năm 2016 Việt Nam nhập hơn 10.000 chiếc xe Trung Quốc, giảm hơn 16.700 chiếc xe (tương đương giảm hơn 50%) so với năm 2015 (hơn 26.700 chiếc).

Trong khi đó, các loại xe của Đức, Nga và Nhật từ năm 2016 đã tăng mạnh vào Việt Nam. Xe Đức vẫn đạt 3.200 chiếc, tăng hơn 700 chiếc so với năm 2015 và hơn 900 chiếc so với năm 2014, hơn 1.524 chiếc so với năm 2013.

Lượng xe Nga cũng đạt 2.150 chiếc năm 2016, tăng hơn 1.600 chiếc so với năm 2015, tăng hơn 2.000 chiếc so với năm 2014 và 2013.

Các hãng xe Nhật cũng vậy, năm 2016 Việt Nam nhập hơn 7.200 chiếc, tăng hơn 1.100 chiếc so với năm 2015, tăng gần 2.000 chiếc so với năm 2014 và 4.900 chiếc so với năm 2013.

Việt Nam không còn là điểm tập kết xe tải Trung Quốc

Về cơ cấu xe nhập, theo Trung tâm Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2015 loại xe nhập từ thị trường Đức có trên 70% là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống, thị phần còn lại thuộc về các dòng xe thương mại, xe tải và xe chuyên dùng. Thị trường xe Nhật, hơn 55% xe nhập là ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi, còn lại là xe tải, xe chuyên dùng.

Đặc biệt, thị trường Nga, lượng xe con hiện mới chỉ chiếm từ 20 - 30%, trong khi đó, xe tải, xe chuyên dụng chiếm gần 70 - 80% lượng xe nhập về. Tương tự, xe tải nhập Trung Quốc cũng chiếm hơn 70%, hơn 20% còn lại là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.

Trở lại 3 năm về trước khi thị trường xe tải Việt Nam trở thành điểm tập kết cho các loại xe tải cỡ nhỏ, trung và hạng nặng như Howo, Dongfong, Shacman, CAMC, C&C, DAYUN... Nhiều nguyên nhân là do: thuế suất giảm khi các nước ASEAN thực hiện cam kết FTA với Trung Quốc, giá xe Trung Quốc cạnh tranh về giá và việc kiểm soát tải trọng... hay việc thiếu hụt xe tải cho sản xuất khi có nhu cầu lớn, trong khi các hãng xe trong nước, nhà nhập khẩu khác chưa thay thế được.

Tuy nhiên, hiện cuộc chơi đã khác, nhiều hãng xe tải lớn thế giới nhận thấy Việt Nam là thị trường lớn, đã chú trọng hơn. Điển hình nhất là xe tải Nga như Kamaz (Nga), thương hiệu được nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp nặng của Việt Nam tin dùng như: than, khoáng sản, xi măng. Tiếp sau đó là các dòng xe MAN (Đức), xe tải Hino, Mitsubishi Fuso (Nhật), hay các loại xe tải của Hyundai, Kia... được nhập khẩu hoặc liên doanh Việt Nam - Hàn Quốc.

Rõ ràng thị trường xe tải Việt Nam hiện không còn là sân chơi độc quyền của hãng xe Trung Quốc và lúc này thị trường, người tiêu dùng đã có thêm nhiều lựa chọn đa dạng hơn, chất lượng hơn. Điều này khiến xu hướng kinh doanh xe tải Trung Quốc không còn là mốt như 3 - 4 năm về trước.

Nguyễn Tuyền