1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Làm gì để nông dân có lãi nhất?

(Dân trí) - "Làm gì thì làm nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để người nông dân có nhiều lãi nhất bằng tiền mặt,..." Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định khi bàn đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung vào những lĩnh vực mang lại cho người dân có nhiều lãi nhất bằng tiền mặt nhưng không quên các yếu tố xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trao đổi với báo chí bên lề hội hội nghị
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trao đổi với báo chí bên lề hội hội nghị

Phát biểu lại buổi khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra sáng nay, 27/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng để thực hiện mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao thu nhập của người nông dân thì cần mạnh rạn rà soát cơ cấu sản xuất, ở mỗi địa phương, từ đó lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường và có nhiều khả năng nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất. Chính phủ cần tập trung đầu tư khoa học công nghệ và có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân thực hiện, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp với thị trường.

“Chúng ta xác định nâng cao giá trị nông nghiệp và tăng trưởng bền vững là con đường lớn, căn cơ và lâu dài. Thực hiện TCC là nhiệm vụ lớn lao và rất đỗi khó khăn, cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao. Tôi tin tưởng chủ trương TCC nông nghiệp sẽ tạo ra một bước ngoặt mới, đưa đất nước ta tiến lên một tầm cao mới,” bộ trưởng khẳng định.

Theo bộ trưởng, bản chất của TCC trong lâm nghiệp là làm sao nông dân có thu nhập. “Nếu như trước đây chúng ta mải miết nâng cao độ che phủ của rừng thì hiện nay phải tìm cách để làm sao trồng rừng, hay rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng cũng phải làm ra tiền. Điều này không có nghĩa là phải chặt phá rừng mà cần phát triển thêm các dịch vụ để có nguồn thu nhập. Bộ đang hướng tới việc phát triển chứng chỉ các bon rừng.”

Công tác trồng rừng cũng phải thay đổi cơ cấu để tạo ra các nguồn thu nhập cho người dân. Hiện nay xuất khẩu gỗ của nước ta đã đạt 5 tỷ USD /năm, đây là một dấu hiệu rất tích cực của ngành lâm nghiệp.

Bản chất của TCC trong ngành thủy sản là làm sao đánh bắt xa bờ phải hiệu quả hơn, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh công nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững, cần chuyển dịch cơ cấu đầu tư công vì trước đây thủy lợi chủ yếu phục vụ trồng lúa thì nay thủy lợi cũng có thể chuyển dịch sang phục vụ ngành thủy sản.

Đối với ngành trồng trọt, theo bộ trưởng, vấn đề bây giờ không phải là trồng cây nào, trồng bao nhiêu mà là làm gì dân có lợi nhất, được nhiều tiền mặt nhất bằng cách áp dụng các mô hình sản xuất mới đem lại thêm nguồn thu cho người dân thay vì chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa.

Liên quan đến vấn đề mâu thuẫn giữa chuyển dịch cơ cấu cây trồng với giữ đất trồng lúa, bộ trưởng cho rằng chúng ta sẽ duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa, đồng thời chuyển đổi khoảng 300.000 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng màu, trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản.

Phát triển dịch vụ chế biến nông sản và đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm

“Chúng ta đang lãng phí tài nguyên rất vì xuất khẩu nông sản của ta chủ yếu là xuất khẩu thô: gạo sau xay xát, cà phê nhân và hồ tiêu thô. Sắp tới cần phát triển các dịch vụ chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản xuất,” Bộ trưởng nhận định.

Ngành trồng trọt cần áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Chúng ta không nhất thiết phải trồng cây ngô mà nên nghiên cứu theo hướng phát triển cây trồng có lợi cho ta.

Đối với ngành chăn nuôi, cần phát triển theo hướng chăn nuôi con gì ăn lúa vì chi phí lợn nuôi bằng ngô ở Việt Nam sẽ đắt hơn 30% so với chi phí sản xuất ở Mỹ. 

“Chúng ta không thể cạnh tranh được vì cùng một giống lợn, cùng cách chăm sóc, nhưng ta phải nhập tới 70% thức ăn chăn nuôi. Tại sao Việt Nam, một nước xuất khẩu gạo lại đi nhập ngô để chăn nuôi?”

Với chăn nuôi gia súc, chúng ta nên dừng lại ở quy mô đàn trâu, bò hiện nay và tập trung tăng năng suất đồng thời cần phát triển chăn nuôi gia cầm. “Chúng ta có đàn vịt lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, mà thức ăn chính của vịt là lúa gạo nên bộ muốn chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng nuôi con ăn gạo.”

Theo bộ trưởng, cần xem xét kỹ lợi hại của mô hình nhà máy chăn nuôi theo kiểu “đổ cám một đầu, đầu kia cho ra trứng” có phù hợp với điều kiện hiện này của Việt Nam không vì điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi nông hộ.

“Hiện nay chúng ta có 14 triệu hộ nông dân, trong đó có 25 triệu người trực tiếp làm nông nghiệp. Nếu phát triển nhà máy chăn nuôi sẽ đồng nghĩa với việc nhiều người nông dân không có việc làm.

Trước định hướng của ngành chăn nuôi là giảm tối đa sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi để tận dụng một lượng lớn lao động nông nhàn, bộ trưởng cho rằng điều này không dễ bởi thức ăn công nghiệp đang trở thành một xu thế tất yếu. Các địa phương cũng cần quan tâm hơn đến phát triển giống gia cầm vì hiện nay giống chăn nuôi chưa đồng bộ.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm